Phụ nữ Bắc Quang khẳng định vị trí, vai trò đối với xã hội

12:51, 23/10/2024

BHG - Với nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Quang đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, bình đẳng giới; khẳng định vị thế phụ nữ trong thời đại mới.

Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động

Hội LHPN huyện Bắc Quang có 24 cơ sở hội, 236 chi hội, 604 tổ hội với 26.175 hội viên. Các cấp hội thường xuyên quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, lựa chọn nội dung hoạt động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp hội.

Gia đình Bí thư Chi bộ thôn Thượng (xã Đồng Tâm) Lục Thị Thế điển hình làm kinh tế giỏi.
Gia đình Bí thư Chi bộ thôn Thượng (xã Đồng Tâm) Lục Thị Thế điển hình làm kinh tế giỏi.

Theo đó, các cấp hội triển khai họp, giao ban trực tuyến, sử dụng văn bản điện tử tạo nên “cuộc họp không giấy tờ” mang lại hiệu ứng kép: Mở rộng đối tượng dự họp, triển khai toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả công việc; tiết kiệm thời gian, chi phí văn phòng phẩm. Đồng thời, chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả tính năng mạng xã hội để truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của hội, giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Hiện nay, Hội LHPN huyện duy trì hiệu quả trang fanpage với trên 11.000 người theo dõi; cấp cơ sở có 11 trang fanpage với hơn 8.500 người theo dõi. Đối với nhóm zalo, cấp huyện duy trì 6 nhóm/113 thành viên; Hội LHPN xã, thị trấn và các chi hội có 216 nhóm/15.326 thành viên.

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ chi hội, tổ hội, các cấp hội tập trung xây dựng mô hình “1+1”, “3 có, 3 biết” theo lộ trình năm 2023 thực hiện điểm, năm 2024 tổ chức sơ kết đánh giá và nhân rộng. Nội dung chính của mô hình “1+1” liên quan đến: 1 chi hội khá kèm 1 chi hội yếu; 1 đảng viên nữ bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp đảng cho 1 chi hội trưởng hoặc tổ phó, hội viên nữ; 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức hội; 1 hội viên có điều kiện hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nội dung “3 có, 3 biết” gồm: Có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu hội viên phụ nữ. Mô hình trên được Hội LHPN huyện thực hiện thí điểm tại thôn Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Phúc). Ngoài thực hiện hiệu quả nội dung “3 có, 3 biết”, từ mô hình “1+1” tại thôn Vĩnh Xuân có 12 cặp hội viên hỗ trợ phụ nữ vào hội (thành công thu hút 12 hội viên mới); 3 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng. Đặc biệt, mô hình trên đang được triển khai nhân rộng tại 23/23 xã, thị trấn; đến nay, các xã, thị trấn đã ra mắt 7 mô hình, góp phần quan trọng xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh đó, hoạt động của các chi, tổ hội phụ nữ được duy trì thường xuyên, linh hoạt, phù hợp từng đối tượng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo chị em tham gia. Qua đánh giá xếp loại hàng năm, 100% chi, tổ hội phụ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Lan tỏa hình ảnh phụ nữ thời đại mới

Nữ đại biểu dân cử Bàn Thị Lợi tự tin chất vấn tại Kỳ họp HĐND xã Hữu Sản.
Nữ đại biểu dân cử Bàn Thị Lợi tự tin chất vấn tại Kỳ họp HĐND xã Hữu Sản.

Nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược về công tác phụ nữ như: Bình đẳng giới; phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thực hiện các giải pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe phụ nữ… Đây cũng là cơ sở quan trọng để Hội LHPN huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Hiện nay, số cán bộ nữ tham gia vào BTV Huyện ủy là 1/13 người; 8/42 người tham gia BCH Đảng bộ huyện; 5/114 người tham gia vào BTV cấp xã; 78/345 người tham gia BCH Đảng bộ cấp xã. Có 14/35 đại biểu nữ tham gia HĐND cấp huyện, cấp xã là 169/501 người. Tỷ lệ nữ giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp huyện chiếm 38% (tương đương 21/56 người); nữ cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn là 20/138 đồng chí, chiếm 14,49%. Trên cương vị công tác, không ít chị đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất, nhiều phụ nữ trở thành tấm gương sáng vượt qua khó khăn, gây dựng nền tảng kinh tế vững chắc. Tiêu biểu như: Chị Đỗ Thị Hiển, tổ dân phố 8, thị trấn Việt Quang mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trồng 20.000 cây quế, 10.000 cây lá giang và chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mỗi năm xuất bán từ 7 – 10 tấn lợn; tạo doanh thu từ 250 – 350 triệu đồng/năm. Hay chị Đỗ Thị Hoài, thôn Thạch Bàn (xã Hùng An) với mô hình kinh doanh tạp hóa, doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm… Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều chị còn thể hiện trách nhiệm xã hội lớn, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Trong đợt thiên tai xảy đến hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, chị Bàn Thị Huyền, thôn Thống Nhất (xã Vĩnh Hảo) vận động nguồn lực xã hội hóa, huy động nhân lực nấu 160 suất cơm hỗ trợ người dân thôn Thượng Mỹ (xã Việt Vinh) khi phải sơ tán từ vùng lũ quét đến nơi ở tập trung.

Không chỉ tự tin khẳng định vị trí, vai trò đối với xã hội; hội viên, phụ nữ còn thực hiện tốt sứ mệnh “giữ lửa” hạnh phúc, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đến nay, toàn huyện có 5 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”/237 thành viên; 23 câu lạc bộ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”/659 thành viên; 2 nhóm “Cha mẹ chăm sóc phát triển trẻ thơ”…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hoàng Su Phì chung tay xóa nhà tạm cho hộ nghèo
BHG - Thực hiện dự án hỗ trợ nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2022 – 2024, sau khi triển khai các dự án, tiểu dự án, đã có hơn 2.900 ngôi nhà của hộ nghèo, cận nghèo trên khắp các bản, làng của huyện Hoàng Su Phì được đầu tư làm mới và sửa chữa.
23/10/2024
Mưa lũ bất thường khiến các trường hợp bị rắn cắn tăng
BHG - Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bình quân từ 40 – 50 bệnh nhân bị rắn cắn. Nhưng từ đầu năm đến nay, thời tiết mưa lũ bất thường là một trong những nguyên nhân chính khiến các ca nhập viện do rắn cắn tăng đáng kể. Do tập quán sinh sống, canh tác gần rừng núi nên người dân dễ có nguy cơ bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa có kỹ năng sơ cứu, chưa đến bệnh viện kịp thời sau khi bị rắn độc cắn, dẫn đến nguy cơ di chứng nặng hoặc có thể tử vong.
23/10/2024
Những hộ tiên phong viết đơn thoát nghèo ở Ngọc Linh
BHG - Trong những năm qua, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Điều đáng quý hơn là ngày càng có nhiều gia đình tự giác vươn lên, tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo để nhường cơ hội cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Tiêu biểu trong đó là 6 gia đình ở thôn Đội 5, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên).
22/10/2024
Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Giang và các đoàn thiện nguyện tặng quà cho người dân bị thiệt hại do thiên tai
BHG - Ngày 21.10, Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Giang phối hợp với đoàn từ thiện Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng tiền ủng hộ cho người dân bị thiệt hại trong vụ sạt lở nghiêm trọng tại Km 51, Quốc lộ 2 khu vực thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang.
22/10/2024