Mưa lũ bất thường khiến các trường hợp bị rắn cắn tăng
BHG - Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bình quân từ 40 – 50 bệnh nhân bị rắn cắn. Nhưng từ đầu năm đến nay, thời tiết mưa lũ bất thường là một trong những nguyên nhân chính khiến các ca nhập viện do rắn cắn tăng đáng kể. Do tập quán sinh sống, canh tác gần rừng núi nên người dân dễ có nguy cơ bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa có kỹ năng sơ cứu, chưa đến bệnh viện kịp thời sau khi bị rắn độc cắn, dẫn đến nguy cơ di chứng nặng hoặc có thể tử vong.
Mặc dù thời tiết chuyển lạnh, rắn ít di chuyển hơn, nhưng sáng 22.10, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn tiếp nhận 2 ca bị rắn cắn ở huyện Vị Xuyên và Yên Minh. Trước đó ít ngày, Khoa tiếp nhận bệnh nhân Tẩn Seo.S, 47 tuổi, ở xã Quảng Nguyên, Xín Mần bị rắn lục mũi hếch cắn trong khi lên rừng chăm sóc thảo quả. Rất may bệnh nhân đã được gia đình kịp thời đưa đi cấp cứu. Do Bệnh viện Đa khoa tỉnh không có huyết thanh kháng độc rắn lục mũi hếch, bệnh nhân tiếp tục được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai và anh Tẩn Seo.S đã được cứu chữa thành công. Theo các y, bác sỹ, nếu không điều trị kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng bởi rắn lục mũi hếch cực độc, nọc gây rối loạn đông máu và gây hoại tử rất nhanh.
Bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc điều trị ca bị rắn cắn, nhập viện ngày 22.10.2024. |
Thông tin từ Khoa Hồi sức tích cưc và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, năm nay số ca bị rắn cắn tăng hơn nhiều so với mọi năm. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Khoa đã tiếp nhận trên 80 ca bị rắn cắn. Trong đó có 1 ca bị rắn lục cắn, sau khi đắp thuốc nam ở nhà không khỏi, nhập viện trong tình trạng nặng, muộn và không qua khỏi. Có ca bị rắn độc cắn, chưa biết sơ cứu trước khi đến viện nên bị nọc độc xâm nhập nhanh, sâu và nguy hiểm đến tính mạng. Sở dĩ số ca bệnh rắn cắn năm nay cao hơn nhiều so với mọi năm là do thời tiết nắng nóng và mưa thất thường, đặc biệt lũ lụt ở nhiều nơi là nguyên nhân khiến môi trường sống của rắn bị tác động, rắn di chuyển không theo quy luật, kể cả khi thời tiết đã chuyển sang mùa lạnh như hiện nay vẫn có thể bắt gặp rắn trườn vào nhà và các ca bị rắn cắn.
Bác sỹ chuyên khoa I, Hoàng Duy Dương, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, tỉnh ta có nhiều rừng núi nên thường có nhiều ca bị rắn độc cắn. Qua nghiên cứu, Hà Giang có các nhóm rắn độc hay gặp, như: Nhóm rắn hổ mang, gồm hổ mang bành, hổ mang chì, hổ chúa…, có nọc độc nguy hiểm, gây liệt cơ; nhóm thứ 2 là rắn lục, với các loại rất độc như lục mũi hếch, lục sừng, lục cường, lục núi, lục đuôi đỏ…, khi cắn thường gây ra rối loạn đông máu. Bệnh viện hiện chưa có huyết thanh điều trị một số loài rắn lục nên bệnh nhân phải chuyển tuyến trên điều trị.
Theo các y, bác sỹ, khi bị rắn độc, nghi rắn độc cắn cần phải nhanh chóng xử trí đúng cách để nọc độc ít và chậm xâm nhập vào cơ thể; người bị rắn cắn cần hạn chế di chuyển, cử động. Một điều thường gặp là nhiều người sau khi bị rắn cắn áp dụng kinh nghiệm dân gian, tự ý đắp hoặc nhờ các thầy lang đắp thuốc nam...
Một ca bị xuất huyết, tụ máu dưới da và các nốt phỏng nước do nhiễm trùng, nhiễm độc nọc rắn. |
Tuy nhiên có nhiều loài rắn độc khác nhau, cơ chế gây độc khác nhau nên không phải trường hợp nào cũng đắp thuốc nam hiệu quả. Một số ca do chủ quan, cấp cứu muộn có thể bị liệt cơ hô hấp, cấm khẩu, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, gây đông máu, hoại tử, suy thận. Một số ca hoại tử nặng, phải tháo khớp chi, bị nhiễm trùng…, thậm chí là tử vong. Đo đó, để tránh nguy hiểm, người bị rắn độc cắn cần phải được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Được biết, để nâng cao khả năng điều trị bệnh nhân bị rắn cắn, những năm qua đội ngũ y, bác sỹ của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được quan tâm bồi dưỡng, nắm bắt các phương pháp điều trị chuyên sâu; tăng cường kết nối chuyên môn với các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao khả năng điều trị. Nhờ đó, tỷ lệ cứu sống người bị rắn độc cắn là rất cao và hầu như không có ca nào tử vong nếu được cấp cứu kịp thời. Ở tuyến huyện, hiện việc cấp cứu, điều trị rắn độc cắn còn hạn chế do chưa nhận định được các loại rắn độc, chưa có khả năng cao trong điều trị chuyên sâu… Qua đó, trong nhiều ca qua hội chẩn trực tuyến với Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp các bệnh viện tuyến huyện có thể điều trị trực tiếp cho các ca nhẹ. Với các ca rắn lục cắn, ca nặng cần phải chuyển tuyến để kịp thời điều trị.
Hiện nay không chỉ riêng Hà Giang, nhiều bệnh viện tỉnh khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn trong điều trị rắn độc cắn, bởi không có huyết thanh đặc trị một số loại nọc độc rắn như rắn lục mũi hếch, lục đuôi đỏ... Để khắc phục khó khăn, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tham gia Dự án nâng cao năng lực xử trí, điều trị rắn độc cắn do một tổ chức của Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ cho 5 tỉnh miền núi phía Bắc. Khi Dự án được áp dụng (dự kiến năm 2025), Hà Giang sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn huyết thanh đặc trị các ca rắn độc cắn vốn trước đây phải chuyển tuyến trên. Qua đó sẽ cứu chữa kịp thời cho các bệnh nhân, giảm tốn kém thời gian, tiền bạc và nguy cơ khi phải di chuyển quãng đường dài lên tuyến trên.
Bài, ảnh: HUY BA
Ý kiến bạn đọc