Khẳng định bản lĩnh, trí tuệ doanh nhân thời đại mới
BHG - Cách đây 20 năm, ngày 13.10 hằng năm được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm khuyến khích, tôn vinh vai trò của những doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và Nhân dân. Từ sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, từng bước đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu.
Năm 2015, Công ty TNHH Miền Tây khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Mạ 1 tại thôn Khuôn Làng, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) - sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, chuyên thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách sang làm chủ đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Nhà máy có công suất thiết kế 18MW với hai tổ máy; tổng mức đầu tư trên 530 tỷ đồng; toàn bộ thiết bị, máy móc được nhập từ Ấn Độ. Hiện nhà máy đang phát điện ổn định lên lưới quốc gia, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tặng quà các gia đình chính sách huyện Vị Xuyên. Ảnh: Văn Nghị |
Tiếp nối thành công trong quá trình chuyển dịch, hiện Công ty TNHH Miền Tây đang tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Lang. Nhà máy có công suất 12MW, tổng mức đầu tư trên 446 tỷ đồng; địa điểm xây dựng tại các xã Lũng Hồ, Du Già, Du Tiến và Ngọc Long (Yên Minh). Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Miền Tây khẳng định, sự chuyển hướng hoạt động của doanh nghiệp đã bắt nhịp kịp thời dòng chảy phát triển của tỉnh và bước đầu cho thấy sự thành công.
Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch H’mong Village vinh dự được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao danh hiệu “Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu thời kỳ hội nhập”. Trước đó, năm 2022 Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village do Công ty đầu tư xây dựng cũng vinh dự được công nhận giải thưởng “Khách sạn xanh ASEAN 2022” - giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao trong khu vực. Theo ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch HĐQT H’mong Village, để có được danh hiệu này, trong suốt những năm qua, H’mong Village làm du lịch dựa trên bảo tồn văn hóa dân tộc Mông, đồng thời tích cực sáng tạo thêm mô hình nhà nghỉ theo những phong cách, kiến trúc gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương, góp phần gìn giữ, bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc đến du khách trong và ngoài nước.
Thành công bước đầu của H’Mong Village đã khẳng định sự mạnh dạn chuyển dịch loại hình hoạt động của doanh nghiệp từ lĩnh vực xây dựng cơ bản sang đầu tư, khai thác thế mạnh du lịch. Năm 2018, doanh nhân Lại Quốc Tĩnh, Giám đốc Công ty Cổ phần thi công cơ giới 1 quyết định đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village tại xã Đông Hà (Quản Bạ) theo chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch xanh, bền vững. Với diện tích 20 ha, khu nghỉ dưỡng gồm hai khu: 35 căn bungalow và khu nhà nghỉ cộng đồng có không gian rộng rãi, cung cấp đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm văn hóa vùng cao. H’Mong Village là sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu tự nhiên mang sắc thái riêng của vùng đất Cao nguyên đá. Các công trình được xây dựng dựa trên nền tảng văn hóa của dân tộc Mông. Tường được trình thủ công bằng đất, sử dụng mái ngói âm dương, khuôn viên sân vườn được xếp bằng đá xanh, kết hợp cây cỏ, mang lại một không gian gần gũi thiên nhiên. Bản sắc văn hóa dân tộc Mông còn được H’Mong Village thể hiện qua cách sắp xếp của dãy bungalow, được bố trí theo hình váy xòe rẻ quạt của các thiếu nữ người Mông, cùng 15 căn bungalow mang hình quẩy tấu – một vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người Mông.
Hai doanh nghiệp, doanh nhân trên là gương sáng, tiêu biểu cho ý chí, quyết tâm, khát khao của cộng đồng doanh nhân Hà Giang trên con đường biến khó khăn thành lợi thế phát triển và đang ngày đêm nỗ lực xây dựng miền cực Bắc ấm no, phát triển bền vững. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Hà Giang, ra đời, hoạt động trên địa bàn khó, nhưng những năm qua, họ không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế trong tiến trình phát triển của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 4.154 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký trên 37.893 tỷ đồng; hàng năm đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách địa phương và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn chuyển hướng hoạt động từ xây dựng cơ bản sang các ngành nghề kinh doanh thương mại tổng hợp, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch, vận tải hàng hoá, hành khách, khai thác vật liệu xây dựng,chế biến khoáng sản, xây dựng thủy điện... giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân luôn được Đảng, Nhà nước, nhân dân coi trọng, tôn vinh; từ đó số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004-2023) đạt hơn 1,88 triệu; doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004; doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng đầu năm 2024 trên 110 nghìn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 sẽ vượt con số 159 nghìn của năm 2023. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt 2,1 triệu. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2023.
Trong gần 40 năm đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Mới đây, trong buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại câu nói “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt” để một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng. Từ thực tiễn phát triển, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong, đó là: Tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); tiên phong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…); tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
THIÊN THANH
Ý kiến bạn đọc