English | Tiếng Việt
Thứ 3, 07/01/2025, 10:30

Xóa tà đạo, xây bản làng bình yên trên vùng biên giới Hà Giang Kỳ 2: Đồng lòng xóa bỏ tà đạo

11:08, 10/09/2024

BHG - Với phương châm “Lấy chủ động phòng ngừa giữ vững bên trong là chính”, cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực, hiệp đồng chặt chẽ trong phối hợp, triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiên quyết xóa bỏ tà đạo, đảm bảo giữ vững an ninh khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Đề án số 23, ngày 22.6.2018 của Tỉnh ủy Hà Giang về “Phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết tình hình hoạt động của các tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025” và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; cũng như thực hiện các đợt cao điểm về tuyên truyền, vận động các hộ theo tà đạo quay trở về phong tục, tập quán truyền thống, tỉnh đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn vận động hộ dân xã Lũng Phìn không theo tà đạo.
Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn vận động hộ dân xã Lũng Phìn không theo tà đạo.

Để nhân dân không tin, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu và đấu tranh xóa bỏ tà đạo, các cấp, ngành, địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng có liên quan đến hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới có tính cực đoan, không để hình thành tổ chức hoạt động trái pháp luật. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhận diện bản chất của các loại tà đạo bằng nhiều hình thức, như: Thông qua các hội nghị, cuộc họp dân, ngày lễ hội cổ truyền của từng dân tộc, các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ; xây dựng mới các mô hình tự quản về ANTT trong vùng có đạo…

Cùng đoàn công tác của Công an tỉnh, huyện Yên Minh đi đến thăm một số hộ gia đình theo tà đạo San sư khẻ tọ tại thôn Sảng Lủng, xã Lũng Hồ (Yên Minh). Đây là thôn có đông đồng bào theo tà đạo San sư khẻ tọ nhất xã với 28 hộ. Ấn tượng đầu tiên khi đến thôn là cả Bí thư Chi bộ Giàng Chủ Ly và Trưởng thôn Giàng Chúng Tỏa, cùng các đảng viên và người dân trong thôn đang giúp thầy, cô giáo tu sửa lại điểm trường để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2024 – 2025. Điều đáng nói là chỉ năm trước cả Bí thư chi bộ và Trưởng thôn Sảng Lủng là những người đi theo tà đạo San sư khẻ tọ. Tâm sự với chúng tôi, Bí thư Chi bộ Giàng Chủ Ly cho biết: “Cũng do cả tin nên đã theo tà đạo, cứ nghĩ nghe theo tà đạo ốm đau không cần đến bệnh viện mà chỉ cần cúng là khỏi, Chúa là đấng tối cao nên phải thờ Chúa. Nhưng qua việc mấy lần có người trong dòng họ bị ốm, gia đình làm lễ cúng, giết mổ cả bò, lợn để cúng nhưng bệnh tật vẫn không giảm, có phần nặng lên lúc đó gia đình mới đưa đi bệnh viện. Sau quá trình điều trị, được các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Minh cứu chữa, chăm sóc bệnh tình đã khỏi. Lúc này mọi người trong gia đình và bà con trong thôn mới nhận thấy giáo lý của tà đạo San sư khẻ tọ là không đúng”. Sau đó trực tiếp ông Ly đã đi vận động trưởng thôn và hộ dân trong thôn từ bỏ tà đạo. Đến nay cả 28 hộ theo tà đạo của thôn đã quay trở về lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên theo phong tục truyền thống.

Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, Mèo Vạc Giàng Mí Nu (thứ 2 bên trái) cùng đoàn công tác đến thăm hộ ông Lò Phù Chiêu.
					               Ảnh: H. NG
Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, Mèo Vạc Giàng Mí Nu (thứ 2 bên trái) cùng đoàn công tác đến thăm hộ ông Lò Phù Chiêu. 

Xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc từng là địa bàn phức tạp về ANTT vì có nhiều hộ dân tộc Mông, Dao ở các thôn Bản Chiều, Nà Dầu, Nà Sang theo tà đạo San sư khẻ tọ. Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, xã đã phân công 5 đồng chí thường vụ gồm Bí thư, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND, Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã phụ trách các hộ theo tà đạo, định kỳ ít nhất 3 lần/tuần xuống từng hộ dân được giao phụ trách tuyên truyền, vận động; thành lập nhiều tổ công tác, nhóm Zalo riêng để tiện cho việc báo cáo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động, thuyết phục đồng bào không tin, không nghe theo luận điệu sai trái của kẻ xấu. Mưa dầm thấm lâu, từ câu chuyện bên bếp lửa, những buổi cùng lao động sản xuất, những lời tuyên truyền, giải thích của cán bộ, đảng viên đã được đồng bào lắng nghe, dần hiểu và tin tưởng. Đồng chí Vũ Đình Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Tát Ngà vui mừng cho biết, qua 3 đợt phát động cao điểm xóa bỏ tà đạo từ năm 2023 đến tháng 8.2024, toàn xã có 37 hộ/156 khẩu cam kết bỏ tà đạo San sư khẻ tọ để quay lại lập bàn thờ, thờ cúng tổ tiên và đã xóa trắng tà đạo trên địa bàn.

Cùng Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) Giàng Mí Nu đến thăm các hộ gia đình đã tự nguyện từ bỏ tà đạo San sư khẻ tọ. Từ trung tâm xã, sau hơn 30 phút đi xe máy và đi bộ, vượt qua con đường hiểm trở, ngoằn nghèo, chúng tôi đến thôn Sủng Lủ. Tới thăm gia đình ông Lò Phù Chiêu, 63 tuổi, dân tộc Dao. Được biết, gia đình ông Chiêu đã đi theo tà đạo San sư khẻ tọ từ nhiều năm nay; sau khi được đồng chí Bí thư Chi bộ Giàng Mí Nu và các đồng chí Công an thường xuyên xuống gia đình tuyên truyền, phân tích giảng giải, ông đã tự nguyện từ bỏ tà đạo và quay lại lập bàn thờ theo phong tục tập quán người Dao vào tháng 11.2023. Ông Chiêu chia sẻ: “Được Bí thư Nu và các đồng chí cán bộ xuống tuyên truyền, giải thích đã giúp tôi hiểu theo tà đạo là trái pháp luật, không đúng với truyền thống văn hóa dân tộc mình; nhà mình đang ở, con, cháu mình đi học, bò mình nuôi đều được hỗ trợ, giúp đỡ từ các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình”.

Đoàn cán bộ Công an huyện Yên Minh tặng quà gia đình ông Lầu Nỏ Hờ, thôn Nà Mu, xã Mậu Long bỏ tà đạo.
Đoàn cán bộ Công an huyện Yên Minh tặng quà gia đình ông Lầu Nỏ Hờ, thôn Nà Mu, xã Mậu Long bỏ tà đạo.

Địa bàn xã Lũng Phìn từng là “điểm nóng” của huyện Đồng Văn về tà đạo San sư khẻ tọ, với 17 hộ/95 khẩu tin theo và đây cũng là một trong những địa bàn khó khăn nhất trong việc tuyên truyền, vận động các hộ theo tà đạo quay trở về phong tục truyền thống, bởi hầu hết các chủ hộ đều không biết nói, nghe tiếng Việt, đại đa số là hộ nghèo, sống tách biệt, rải rác trên các sườn núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao xóa trắng tà đạo, các Tổ công tác của huyện, xã với thành viên là những cán bộ, đảng viên dân tộc Mông, am hiểu phong tục, văn hóa truyền thống đã “đi từng ngõ gõ từng nhà”, kiên trì bám cơ sở với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực hiện tốt “3 bám, 5 cùng” (Bám bản làng, bám từng hộ gia đình, bám thời gian và cùng ăn, cùng uống rượu, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) để tuyên truyền, phân tích giúp các hộ dân nhận thức rõ âm mưu của kẻ xấu, từ bỏ tà đạo San sư khẻ tọ và quay trở về phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương, người có uy tín, cán bộ đảng viên đều phát huy vai trò, tích cực trong vận động, xóa bỏ khoảng cách, tâm lý tự ti, mặc cảm và tạo điều kiện để những người theo tà đạo San sư khẻ tọ quay trở về phong tục truyền thống, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tính từ năm 2018 đến tháng 8.2024, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động giảm được 748 hộ/4.888 khẩu tin theo tà đạo quay lại phong tục, tập quán truyền thống, hoặc chuyển sang sinh hoạt tôn giáo tại các tổ chức, hệ phái tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

----------------

Kỳ cuối: Xây dựng bản, làng bình yên

Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trao giải thưởng cuộc thi viết "Tìm hiểu Luật Căn cước năm 2023" và "Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam"
BHG - Ngày 9.9, Công an tỉnh Hà Giang công bố Quyết định công nhận kết quả và trao giải thưởng 2 cuộc thi viết: "Tìm hiểu Luật Căn cước năm 2023" trong lực lượng Công an tỉnh Hà Giang và "Tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam" trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
10/09/2024
Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại Hoàng Su Phì
BHG - Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã xảy ra mưa to kéo dài gây tình trạng lũ và sạt lở đất nghiêm trọng. Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 9.9, tại thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, hộ gia đình ông Xin Văn Hồng bị taluy dương sạt lở vùi lấp hoàn toàn ngôi nhà sàn 5 gian, bên trong có người.
10/09/2024
Phân luồng, tổ chức giao thông tại Km3+200 đường Đồng Văn - Khia Lía (ĐT.182B)
BHG - Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn diện rộng, khu vực đoạn Km3+200 thuộc đường Đồng Văn - Khia Lía (ĐT.182B) đã bị sạt lở taluy dương, gây tắc đường, nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến.
10/09/2024
Cảnh báo lũ trên sông Lô: 6-12 giờ tới tiếp tục lên và khả năng lên trên mức Báo động III
BHG - Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, trên sông Lô tại trạm Hà Giang (tp Hà Giang) lũ đang lên, mực nước lúc 13h00 ngày 9.9.2024 là: 10251cm ở mức thấp hơn cấp Báo động (BĐ) III là 49cm.
09/09/2024