Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ cuối: Chan hòa ánh sáng văn minh

11:34, 25/09/2024

BHG - Quyết sách của tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân trở thành cuộc cách mạng “gạn đục khơi trong”, làm chan hòa ánh sáng văn minh ở mỗi bản làng. Tuy nhiên, để “phá rào” bền vững, đưa nếp sống văn minh trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân vẫn cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đột phá.

Nhận diện “rào cản”

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình thực hiện Nghị quyết 27 xuất hiện không ít yếu tố bất lợi. Các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vốn tồn tại lâu đời trong nhận thức, đời sống tín ngưỡng của nhân dân các dân tộc, để thay đổi không phải việc “một sớm một chiều” mà là cả quá trình, cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Trưởng thôn Khá Hạ, xã Tân Lập (Bắc Quang) Phàn Giào Vạng (ngoài cùng bên trái) phổ biến nội dung xóa bỏ hủ tục cho các con.
Trưởng thôn Khá Hạ, xã Tân Lập (Bắc Quang) Phàn Giào Vạng (ngoài cùng bên trái) phổ biến nội dung xóa bỏ hủ tục cho các con.

Với quan điểm “phải có con trai nối dõi tông đường”, “càng đông con càng nhiều của”, gia đình ông Hoàng Seo Măng, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) từng làm “đau đầu” hệ thống chính trị ở cơ sở khi không tìm được giải pháp ngăn chặn tình trạng “cha truyền con nối”… sinh nhiều con. Ông Măng cho biết: “Vợ chồng tôi sinh được 5 con gái và 1 con trai. Con trai tôi là Hoàng Seo Sính (sinh năm 1985) khi lập gia đình cũng sinh 7 con gái và 1 con trai. Nhiều khi, nhìn cảnh cháu, con nheo nhóc vừa lo cái ăn, cái mặc, vừa lo chi phí học hành tôi cũng chạnh lòng”.

Theo tổng hợp của cơ quan chuyên môn: Từ tháng 7.2022 đến tháng 8.2024, toàn tỉnh có hơn 1.800 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Cá biệt, 647 cặp tảo hôn chung sống với nhau như vợ chồng, hơn 600 trẻ em gái sinh con khi chưa đủ 18 tuổi. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về những hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý người mẹ và nguy cơ suy giảm chất lượng giống nòi khi cơ thể người mẹ tuổi vị thành niên chưa thích hợp cho việc mang thai, sinh con và nuôi con. Ngoài ra, vấn nạn tự tử chưa được ngăn chặn kịp thời; vẫn còn 130 vụ tự tử do tiêu cực, mâu thuẫn gia đình dẫn đến những cái chết thương tâm.

Mặc dù Nghị quyết 27 được triển khai quyết liệt nhưng trong việc tang còn không ít hủ tục dai dẳng, gây hệ lụy xấu, cản trở sự phát triển tiến bộ của xã hội. Nhiều già làng, trưởng dòng họ còn tư tưởng bảo thủ, muốn duy trì phong tục, tập quán xưa, chưa tiếp nhận việc xây dựng nếp sống văn minh, dẫn đến một bộ phận người dân chưa tự giác xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, rườm rà, kéo dài, tốn kém tiền bạc. Cũng trong thời gian trên, toàn tỉnh có 8.566 đám tang thì còn 741 đám tang tổ chức quá 48 giờ (chiếm 8,6%), 551 đám giết mổ từ 2 con trâu, bò trở lên (chiếm 6,4%). Trong đó, đối với người Mông có 3.195 đám tang thì 1.483 đám tang không đưa người chết vào áo quan trước khi làm tang lễ (chiếm 46,4%), 359 đám tang phơi nắng thi hài (chiếm 11,2%), 97 đám tang cúng dài ngày (chiếm 3,03%)…

Đồng bào Tày, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) tổ chức đám cưới theo nếp sống mới.
Đồng bào Tày, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) tổ chức đám cưới theo nếp sống mới.

Thực tế trên cho thấy, không ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa đưa ra được giải pháp để quyết liệt xử lý các vấn đề còn tồn tại; phương pháp, cách thức thực hiện Nghị quyết 27 chưa rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gắn với từng địa bàn, dân tộc. Vốn nhận thức của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc thống nhất nhận thức xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong khi đó, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn chưa đủ mạnh; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở chưa phát huy tốt vai trò phối hợp, thống nhất hành động với Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong việc xây dựng, thống nhất nội dung xóa bỏ hủ tục. Cá biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thuyết phục được gia đình, dòng họ gương mẫu xóa bỏ hủ tục làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động và thực hiện của người dân ở cơ sở. Tại huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, 14 cán bộ, đảng viên vi phạm Nghị quyết 27 bị phê bình, nhắc nhở.

Gỡ khó để “phá rào” bền vững

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Mạnh Cường cho biết: “Kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 27 mới chỉ là bước đầu, chưa thật sự vững chắc, có thể tái diễn nếu không có sự quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của các cấp, ngành. Bởi vậy, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong thực hiện Nghị quyết 27. Đây không chỉ là yêu cầu đối với vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng mà cần đặt ra như một chuẩn mực đạo đức; khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng, đảng viên, tạo sức lan tỏa trong nhân dân để Nghị quyết 27 vững bền trong thực tiễn, trở thành nhu cầu tự thân của nhân dân”.

Để thống nhất nhận thức và hành động trong thực hiện Nghị quyết 27, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lấy “xây” để “chống”; đưa nội dung xóa bỏ hủ tục, gìn giữ văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường, từng bước làm thay đổi tư duy nhận thức cho thế hệ trẻ, những thế hệ tương lai của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng, thầy khèn; bởi đây đều là những nhân tố đóng vai trò quyết định tạo ra sự thay đổi trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 27.

Ông Hoàng Seo Măng (người trong cùng), xã Đồng Tâm (Bắc Quang) ngậm ngùi chia sẻ cảnh đông con của gia đình.
Ông Hoàng Seo Măng (người trong cùng), xã Đồng Tâm (Bắc Quang) ngậm ngùi chia sẻ cảnh đông con của gia đình.

Ông Sùng Sáy Nô, trưởng dòng họ Sùng, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc), người dám “đối đầu” với cả dòng họ để cải tiến đám tang, chia sẻ: “Theo truyền thống của đồng bào Mông, người chết không đưa vào áo quan. Nhưng năm 2023, nhà tôi đã làm ngược lại, đưa thi thể anh trai tôi vào áo quan. Từ thực tiễn của gia đình tôi cho thấy, việc đưa người chết vào áo quan hay không do ông trưởng họ và thầy khèn quyết định. Vì vậy, phải tập trung tuyên truyền, vận động và có cơ chế khuyến khích hai người này hưởng ứng, làm theo, nhất là thầy khèn thì sẽ giải quyết triệt để những hủ tục còn tồn tại trong tang lễ của người Mông”.

Tại huyện Vị Xuyên, các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu của từng dân tộc, cộng đồng dân cư, từng vùng được nhận diện rõ để có giải pháp xóa bỏ phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công hơn 50 mô hình xóa bỏ hủ tục, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân; thường xuyên kiểm tra, động viên, khen thưởng kịp thời những mô hình hiệu quả, cách làm hay, gương điển hình trong cộng đồng; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc có người nhà vi phạm Nghị quyết 27 để làm gương cho cán bộ và răn đe trong cộng đồng.

Thực tế cho thấy, nhận thức pháp luật ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xa còn thấp, đời sống khó khăn nên việc áp dụng pháp luật triệt để, xử phạt đối với các hủ tục là điều không dễ và cũng chưa phải là công cụ duy nhất. Theo đó, 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ban hành hương ước, quy ước, quy định cụ thể, chi tiết về xóa bỏ hủ tục. Các thiết chế văn hóa trong hương ước, quy ước có vai trò bổ sung cho pháp luật và tác động sâu sắc đến ý thức của các cá nhân do tính ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với điều kiện thực tế. Hương ước, quy ước đưa ra các hình thức xử lý vi phạm Nghị quyết 27 như: Không bình xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, phạt tiền để đóng góp vào quỹ chung của thôn hay phạt lao động công ích...

Ông Phàn Giào Vạng, Trưởng thôn Khá Hạ, xã Tân Lập (Bắc Quang) cho biết: “Thôn Khá Hạ có 32 hộ dân, 100% đồng bào Dao, chia thành 2 dòng họ Phàn và Triệu. Theo hương ước của thôn, gia đình nào tổ chức đám cưới tảo hôn, cả làng “tẩy chay” không đến dự cũng không giúp đám cưới và bị bêu tên tại các cuộc họp thôn. Riêng các dòng họ xây dựng gia phả riêng, quy định anh em trong dòng họ sau 5 – 7 đời mới được kết hôn với nhau; nếu vi phạm thì bị xóa tên khỏi dòng họ và phạt 5 đồng bạc, 7 hào (tương đương 5,7 triệu đồng) cùng 1m vải đỏ, 1 chai rượu. Nhờ có hương ước và các quy định của dòng họ nên những năm gần đây, trong thôn không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”.

Năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang có 133/193 xã khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 42,61%; riêng 7 huyện nghèo, tỷ lệ này lên đến 61,04%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ 31,7 triệu đồng/năm; trong đó, thu nhập của hộ nghèo mới đạt 14,38 triệu đồng/người/năm. “Muốn phá “rào cản” để Nghị quyết 27 “bén rễ” sâu trong đời sống nhân dân cần xây dựng chiến lược đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong thực hiện Nghị quyết 27 để việc cưới, việc tang, lễ hội và đời sống sinh hoạt từng ngày văn minh, tiến bộ” - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Mạnh Cường nhấn mạnh.

Lan tỏa giá trị nhân văn

Đồng bào Mông xã Sủng Thài (Yên Minh) chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa.
Đồng bào Mông xã Sủng Thài (Yên Minh) chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa.

Thôn Chúng Mung, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) có 6 dòng họ, 345 nhân khẩu, 100% đồng bào Mông. Nhận diện được những hủ tục trong đám cưới, đám tang và đời sống sinh hoạt hàng ngày là rào cản lớn với sự phát triển của thôn, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, toàn thôn quyết tâm xóa bỏ. Những bước đi đầu tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “mưa dầm thấm lâu”, bền bỉ tuyên truyền, vận động, đến nay 4/6 dòng họ xóa bỏ hủ tục, đưa người chết vào áo quan, làm ma không quá 48 giờ, người dân chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 6%.

Tại xã Bản Díu (Xín Mần), nơi sinh sống của đồng bào người Nùng, La Chí, Tày, Mông. Mỗi dân tộc còn nhiều hủ tục rườm rà, tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường sống. Thực hiện Nghị quyết 27, xã Bản Díu ban hành bộ nhận diện các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội đưa vào quy ước, hương ước thôn và triển khai đồng bộ trong nhân dân. Phó Chủ tịch UBND xã Bản Díu Vương Thị Văn chia sẻ: “100% cán bộ, công chức, viên chức và 96,27% hộ dân của xã ký cam kết xóa bỏ hủ tục; không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thách cưới; 100% người chết đưa vào áo quan, trên 90% đám tang không tổ chức quá 48 tiếng, người dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn”.

Mới đây, anh Giàng Văn Chứ, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) tổ chức đám cưới cho con gái Giàng Thị Giang. Trước đây, theo phong tục của dòng họ, anh sẽ thách cưới 2 con trâu (tương đương khoảng 50 triệu đồng), 60 chai rượu, 60 kg gạo và 10 triệu đồng tiền mặt. Nhưng nay, tất cả lễ vật chỉ gói trọn trong 15 triệu đồng. Bà Lý Thị Phà, mẹ anh Chứ sau khi được “soi sáng” bởi Nghị quyết 27 đã nói với các con: “Mình gả con gái chứ không phải bán con, thách cưới cao là không được đâu. Con có cuộc sống tốt mới là hạnh phúc”.

 Cách làm mới, hiệu quả của Hà Giang trong xóa bỏ hủ tục, nâng cao đời sống cho nhân dân được Ban Dân vận T.Ư đánh giá cao, có thể nhân rộng ở các địa phương trên cả nước. Trong chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại tỉnh ta, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đánh giá cao những kinh nghiệm, kết quả trong xóa bỏ hủ tục của Hà Giang, là bài học quý để tỉnh Lai Châu tổng hợp, đúc kết và áp dụng phù hợp vào thực tiễn địa phương. Sau chuyến công tác, Tỉnh ủy Lai Châu đã giao các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết 15 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tâp quán lạc hậu trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2024 - 2030.

Việc cưới, việc tang, lễ hội giờ đây được tổ chức trang trọng nhưng đơn giản, tiết kiệm, giảm bớt nghi lễ rườm rà, tốn kém. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy; trẻ vị thành niên thoát khỏi nạn tảo hôn để tiếp tục đến trường, giá trị của tình yêu, hôn nhân được coi trọng, phụ nữ được “cởi trói” hủ tục để phát triển toàn diện; đặc biệt đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh trên 4%/năm. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, Thào Hồng Sơn khẳng định: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên quan điểm làm thực chất, không chạy theo thành tích, các nội dung được triển khai bài bản, có lộ trình, lấy “xây” để “chống”, Nghị quyết 27 rất trúng với tâm nguyện của nhân dân, đạt được những kết quả nổi bật, đúng như kỳ vọng. Qua đó, tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng.

Xóa bỏ hủ tục theo Nghị quyết 27 là cuộc cách mạng “gạn đục, khơi trong”, làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; như ánh bình minh làm bừng sáng bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, xua tan đêm trường hủ tục vây bủa cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, nhiều giải pháp chiến lược, bài bản, khoa học, mang tính đột phá được sáng tỏ, trở thành “cẩm nang” để cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc, nhân lên khí thế quyết tâm “phá rào”, xây dựng đời sống mới; góp phần hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc trên dải đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Từ năm 2022 đến tháng 8.2024, toàn tỉnh vận động 515 cặp có ý định tảo hôn hoãn hôn thành công; 7.825/8.556 đám tang không quá 48 giờ; 884 người chết được đưa đi hỏa táng; 8.015 đám tang không giết mổ hoặc chỉ giết mổ 1 con gia súc; gần 50% đám tang của người Mông đưa người chết vào áo quan; 454 hộ xóa bỏ tà đạo, đạo lạ, quay về phong tục truyền thống của dân tộc; 10.220 hộ di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở; 10.845 hộ làm mới công trình vệ sinh; gần 18.200 buổi vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường được tổ chức. Hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục được các cấp tuyên dương, khen thưởng. 

NHÓM PV

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ cuối: Để cán bộ “dám” thực hiện “7 dám”
BHG - Xác định công tác cán bộ là then chốt trong xây dựng Đảng, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc luôn quan tâm quy hoạch, có cơ chế bố trí vị trí việc làm, luân chuyển, đào tạo, bổ nhiệm phù hợp, gắn với “đặt hàng” nhiệm vụ, giao việc khó để thử thách cán bộ. Đó vừa là yêu cầu, vừa là những động lực để cán bộ phát huy năng lực bản thân và “dám” thực hiện “7 dám”.
24/09/2024
Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ II: Cuộc “cách mạng” từ tinh thần “7 dám”
BHG - Ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh, lĩnh vực nào, tinh thần “7 dám” càng sáng lên khi có không ít cán bộ chủ chốt cơ sở dám đương đầu với khó khăn. Những quyết định mang tính bước ngoặt đã tạo nên một cuộc “cách mạng” văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mở lối phát triển kinh tế, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng thay da, đổi thịt.
24/09/2024
Khơi dậy tinh thần “7 dám” của cán bộ chủ chốt cấp xã: Kỳ I: Những cán bộ một lòng với dân
BHG - Lấy tinh thần “7 dám”, soi rọi vào từng cương vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở tỉnh Hà Giang đã thể hiện được cái tâm, tầm, trí tuệ. Họ đã giương cao ngọn cờ tiên phong, đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm; vượt qua mọi gian khó, dấn thân và tận lực cống hiến. Được ví như viên ngọc sáng non cao, đi dân nhớ, ở dân thương.
24/09/2024
Xóa bỏ hủ tục, xây đời sống mới ở Hà Giang: Kỳ 1:  Hủ tục ăn sâu, len lỏi trong đời sống
BHG - Đám tang không mổ nhiều gia súc, không nghi lễ rườm rà, không để quá 48 giờ, đưa người chết vào áo quan; đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao, không tảo hôn; lễ hội văn minh, trang trọng; đời sống văn hóa, tinh thần nâng cao... là thành quả cuộc “cách mạng” thay đổi tư duy của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang trong xóa bỏ hủ tục, quyết tâm “phá rào” xây dựng cuộc sống ấm no.
23/09/2024