Nâng cao chất lượng hoạt động Hội Khuyến học và đa dạng mô hình học tập
BHG - Sau 5 năm thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (KHKT, XDXHHT) trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổ chức Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, phát huy tốt vai trò liên kết, phối hợp, vận động xã hội tham gia hoạt động KHKT, XDXHHT.
Nhận thức sâu sắc công tác KHKT, XDXHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm công tác KHKT, XDXHHT, đầu tư, xây dựng hệ thống mạng lưới giáo dục tương đối hoàn chỉnh và ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, dòng họ, cá nhân tham gia ngày càng tích cực hoạt động KHKT. Toàn tỉnh có 4.052 hội, chi hội, ban khuyến học các cấp với tổng số 330.909 hội viên. Ngoài thiết chế giáo dục trong nhà trường, 100% xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, trên 2.069 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, hàng nghìn thư viện công cộng, hàng trăm thư viện gia đình, 12 trung tâm ngoại ngữ, tin học, 13 trung tâm giáo dục kỹ năng sống..., góp phần không nhỏ vào công tác KHKT, XDXHHT.
Hội Khuyến học tỉnh Hà Giang trao học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ). |
Các thiết chế văn hóa ở cơ sở tổ chức sử dụng chung tài nguyên thông tin, sản phẩm thông tin và dịch vụ thư viện, truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và giải trí, góp phần hình thành và phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực của người tham gia.
Các tiêu chí của mục tiêu XDXHHT giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cơ bản hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó 24 xã đạt chuẩn mức độ II và 169 xã đạt chuẩn mức độ 2; có 42.865 lao động nông thôn được đào tạo nghề; 32.700 lao động có việc làm sau đào tạo; 20,6% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 42,5% người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 20% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Từ năm 2019 - 2023 có 24.230 cán bộ công chức, viên chức được tăng cường học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội nhằm giúp nâng cao khả năng công tác; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh được bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ đáp ứng nguồn nhân lực làm việc trong thời kỳ mới.
Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh và các cấp Hội đã tập trung vận động, quyên góp được trên 30 tỷ đồng, đã chi trên 26 tỷ đồng với trên 20.000 xuất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh thi đỗ các trường đại học; khen thưởng trên 33.817 học sinh, 3.749 giáo viên. Từ năm 2020 đến nay, Quỹ KHKT của tỉnh thu được trên 18 tỷ đồng, chi hỗ trợ trên 4,3 tỷ đồng cho 3.382 học sinh xuất sắc, học sinh giỏi; mở 21 sổ tiết kiệm (trị giá 5 triệu đồng/sổ) cho 21 học sinh là “Con nuôi đồn Biên phòng”. Trong dịp tổng kết năm học và ngày Quốc tế thiếu nhi hằng năm, Hội Khuyến học các cấp đã khen thưởng và cấp học bổng cho 157.472 em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đạt giải cao trong các kỳ thi.
Cùng với đó, Hà Giang xác định rõ xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập” là nhân tố quan trọng đối với sự hình thành và phát triển xã hội học tập từ cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 125.071 “Gia đình học tập”; 1.406 “Dòng họ học tập”; 1.484 “Cộng đồng học tập”; 821 “Đơn vị học tập”, đạt 98,44% số đơn vị trong toàn tỉnh; 110.172 “Công dân học tập”.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận số 49, trong thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác KHKH, XDXHHT, xem đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp; huy động toàn xã hội tham gia xây dựng phong trào KHKT, XDXHHT và sự nghiệp giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của Hội Khuyến học các cấp; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị gắn với phong trào xây dựng “Cả nước thành một xã hội học tập” và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và phong trào “Xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trọng dụng người tài, kịp thời biểu dương, tôn vinh các gương sáng về học tập, điển hình vượt khó vươn lên trong học tập; phát triển mạnh mẽ hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo; xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục phù hợp với đặc thù của giáo dục - đào tạo trong “xã hội học tập”; huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục - đào tạo; khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động KHKT, XDXHHT theo tinh thần xã hội hóa giáo dục.
Sèn Chỉn Ly (Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh)
Ý kiến bạn đọc