Chỉ đi học mới hy vọng thay đổi cuộc sống
BHG - Bà Mua Thị Sia, dân tộc Mông, 64 tuổi hiện đang sinh sống tại thôn Xóm Mới, thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn) là mẫu phụ nữ người Mông truyền thống với đầy đủ các tố chất hiền lành, chăm chỉ, yêu chồng, thương con. Lúc nhỏ lớn lên trong một gia đình đông anh em, là con gái nên bà không được bố mẹ cho đi học; khi lớn lên lấy chồng và về nhà chồng với bao bộn bề, công việc trong vai trò là con dâu của một gia đình dân tộc Mông truyền thống gồm 3 thế hệ cùng sinh sống, trong đó ngoài bố mẹ chồng còn có một em trai nhỏ của chồng cùng 5 người con. Là một gia đình thuần nông nên để có những bữa ăn hàng ngày, các thành viên trong gia đình phải làm việc vất vả từ sớm tới khuya mà vẫn không có tiền để tích lũy.
Bà Mua Thị Sia cùng các con. |
Có thời điểm các con bà đều ốm nhưng không có tiền để mua thêm thức ăn, nhìn bữa ăn chỉ có bát mèn mén và tô canh nhạt, lòng bà như thắt lại. Qua sự tuyên truyền của cán bộ xã và huyện về đổi mới phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống, bà nhận ra nguyên nhân sự khó khăn của gia đình là do không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên không có kiến thức làm ăn để cải thiện cuộc sống gia đình; vì vậy, dù khó khăn bao nhiêu cũng phải cho các con đi học. Để cải thiện cuộc sống gia đình, bà Sia học theo cách làm của các hộ khá giả trong thôn, mạnh dạn phát cỏ trong tán rừng nhà mình để trồng cây Thảo quả; chuyển đổi toàn bộ diện tích đất dốc, đất xấu sang trồng cỏ nuôi bò; mạnh dạn vay thêm vốn để phát triển đàn lợn thịt, tăng quy mô đàn gà với phương thức làm ăn theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”. Số tiền thu được từ sản phẩm nông nghiệp, một phần để trả nợ ngân hàng, một phần bà Sia tích cóp đầu tư cho em chú và các con đi học.
Không phụ công của bà Sia, em chú cùng 5 người con của bà đều phấn đấu thi đỗ vào các trường đại học và tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định. Em chú là cán bộ huyện được luân chuyển giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy của một xã trong huyện; con gái cả là giáo viên một trường tiểu học; con trai thứ hai là viên chức Trạm khuyến nông của huyện; con gái thứ ba là cán bộ một xã; con trai thứ tư làm việc tại Trung tâm khoa học ứng dụng bảo tồn và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp và cậu con út sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, năm 2021, cậu đã dành một năm để tự học thêm tiếng Anh và tham gia phỏng vấn rồi sang Đan Mạch để làm việc trong một nông trại chăn nuôi.
Nếu chỉ nhìn nhận đơn thuần về sự hiếu học, kết quả học tập và việc làm của các con bà Mua Thị Sia ở thôn Xóm Mới, thị trấn Phó Bảng thì có nhiều gia đình, dòng họ làm được. Song xét về nhận thức, về hoàn cảnh và hành động đi đến cùng để lo cho tương lai của các con của bà Sia, một người phụ nữ Mông không được học hành dành cả cuộc đời chỉ sống và thực hiện ước mong giản dị, phải cố gắng cho các con đi học, vì chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống. Nhất là trong bối cảnh ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh, huyện, nhận thức của nhiều bà con còn hạn chế, chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em trong gia đình, hầu hết còn phó mặc, trông chờ vào sự quan tâm của Nhà nước thì việc làm của bà Sia thật đáng trân trọng và khâm phục.
Bài, ảnh: Lý Trung Kiên (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc