Thành phố Hà Giang đảm bảo chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng
BHG - Tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thực sự là nguồn lực quan trọng, giúp các chủ rừng chủ động nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng (BVR) được giao, góp phần giữ vững độ che phủ rừng, tạo thêm công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người dân. Vì vậy, trong thời gian qua, thành phố Hà Giang phối hợp cùng Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chi trả tiền DVMTR đảm bảo công khai, minh bạch, chi đúng, chi đủ, từ đó tạo thêm động lực giúp người dân gắn bó với rừng.
Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra, giám sát hồ sơ và thực trạng giao khoán, hợp đồng bảo vệ rừng tại xã Phương Độ. |
Năm 2024, thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR, thành phố Hà Giang đã chi trả hơn 758 triệu đồng (kế hoạch năm 2023), trong đó: Chi cho cá nhân, hộ gia đình hơn 290 triệu đồng/1.415 hộ; chi cho UBND cấp xã, phường hơn 468 triệu đồng. Nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát trong công tác chi trả, UBND thành phố và các thành viên trong Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc quản lý nguồn thu; tăng cường thực hiện chi trả tiền DVMTR qua các ngân hàng; vận động các chủ rừng mở tài khoản, đảm bảo việc chi trả đúng thời gian quy định; thực hiện hiệu quả việc rà soát, xây dựng bản đồ cung ứng DVMTR, từ đó xác định chính xác diện tích rừng; chi trả đúng người, đúng đối tượng quy định. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho chủ rừng, cộng đồng dân cư nắm được các quy định, hướng dẫn thay đổi liên quan đến chính sách chi trả DVMTR thông qua các buổi họp dân và định hướng các thôn, tổ trong việc sử dụng và ghi chép tiền DVMTR; hướng dẫn rà soát, kiện toàn các tổ, đội quần chúng BVR của các thôn, tổ trên địa bàn toàn thành phố.
Theo các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng: Công tác kiểm tra, giám sát chi trả tiền DVMTR đối với thành phố Hà Giang về thủ tục, hồ sơ và thực trạng giao khoán, hợp đồng BVR; chứng từ chi trả tiền DVMTR cho đối tượng nhận khoán; hợp đồng BVR về thời gian chi trả, số tiền chi trả cho đối tượng nhận khoán, hợp đồng BVR có đảm bảo đúng thời gian, phù hợp; kết quả quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR; kết quả quản lý BVR; các giải pháp triển khai chi trả tiền DVMTR... Qua kiểm tra cho thấy việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR cơ bản đảm bảo theo quy định; đối với chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, bản, tiền DVMTR chủ yếu sử dụng vào mục đích chung của cộng đồng, có sự thống nhất của toàn thể người dân, nội dung chi tập trung vào chi trả công cho tổ tuần tra BVR, chi đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi như xây dựng đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà văn hóa, trụ sở thôn; việc sử dụng tiền DVMTR được các cộng đồng thôn, bản tổ chức họp dân để cử người đại diện cộng đồng đứng tên nhận tiền, thống nhất phương án sử dụng tiền; các khoản chi đều được ghi chép trong sổ sách. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc ghi chép chi trả DVMTR của một số cộng đồng chưa khoa học; quá trình sử dụng quỹ chưa có hóa đơn chứng từ; việc triển khai trong quá trình chi trả còn lúng túng…
Chủ tịch UBND xã Phương Độ, Bùi Đức Định, cho biết: Thực hiện việc chi trả tiền DVMTR, hàng năm UBND xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách DVMTR gắn với công tác BVR; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các hộ có diện tích cung ứng DVMTR được hưởng tiền DVMTR và các nguồn lợi từ rừng; trong quá trình chi trả thực hiện nghiêm việc giám sát. Năm 2024 (kế hoạch năm 2023) trên địa bàn xã có 328 hộ được chi trả tiền DVMTR với tổng số tiền trên 30 triệu đồng/325 ha; chi cho cộng đồng thôn BVR trên 116 triệu đồng; chi cho công tác quản lý BVR của UBND xã trên 36 triệu đồng. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát nên những kiến nghị của người dân về diện tích hỗ trợ, thiếu sót được UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn giải quyết dứt điểm, thỏa đáng, không có tình trạng đơn thư, khiếu nại trong quá trình chi trả, quản lý, sử dụng tiền DVMTR.
Việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong chi trả tiền DVMTR công khai, minh bạch, kịp thời khắc phục những khuyết điểm sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong công tác quản lý và BVR.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc