Tăng cường kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn
BHG - Bệnh Tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương với gần 2.000 con lợn/310 hộ/73 thôn/22 xã/6 huyện buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng trên 77 tấn. Các biện pháp phòng, chống bệnh đang được các cấp, ngành Nông nghiệp triển khai quyết liệt, trong đó tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn.
Lãnh đạo thành phố Hà Giang kiểm tra các điểm buôn thịt lợn trên địa bàn. |
Hiện nay, toàn tỉnh có 5 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại Bắc Mê và Yên Minh hoạt động thường xuyên. Tất cả các địa phương thành lập đoàn kiểm tra do lãnh đạo huyện, thành phố làm trưởng đoàn và thành lập các tổ liên ngành lưu động, tiến hành kiểm tra tất cả các chợ, điểm giết mổ lợn và hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản thịt lợn được bày bán đều có đóng dấu kiểm soát giết mổ của thú y, lợn chủ yếu được giết mổ tại các lò mổ tập trung, được nhập từ các xã chưa có dịch. Tại huyện Quản Bạ, cơ quan chức năng đã xử lý 1 vụ vận chuyển lợn trong vùng dịch không có giấy tờ với số lượng 12 con, trọng lượng 1.000 kg, buộc tiêu hủy toàn bộ số lợn và xử phạt người vận chuyển số tiền 4,5 triệu đồng.
Chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại huyện Bắc Mê hoạt động thường xuyên, kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn ra vào địa bàn vùng dịch. |
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại các chợ, điểm bán thịt lợn tự phát, cũng cho thấy nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân và số lượng lợn được giết mổ lớn hơn nhiều so với số thịt lợn có đóng dấu kiểm dịch của thú y. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục siết chặt quản lý công tác giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn trên địa bàn, để ngăn chặn triệt để lợn dịch và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn; góp phần quan trọng phòng, chống bệnh Tả lợn châu Phi hiệu quả.
Tin, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc