Kỳ vọng mùa “gieo chữ”
BHG - Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên toàn tỉnh thực hiện tuyển sinh học sinh đầu cấp qua cổng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 ở tất cả các khối lớp, đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục... Với tầm quan trọng đó, công tác chuẩn bị năm học mới đang được ngành Giáo dục và các địa phương triển khai đồng bộ.
Cổng Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Hà Giang) đang gấp rút hoàn thành trước thềm năm học mới. |
Năm học này, Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Hà Giang) có 804 học sinh và 34 cán bộ, giáo viên. Để chuẩn bị cho năm học mới, tất cả giáo viên tập trung đầy đủ từ ngày 1.8, tổ chức tổng vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên, lớp học, tham gia các lớp tập huấn chính trị, chuyên môn. Công trình xây dựng, sửa chữa tường rào, cổng, sân trường đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trước 20.8. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, Hoàng Thị Thủy chia sẻ: “Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thết bị và các điều kiện cho năm học mới, năm học 2024 - 2025, nhà trường sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp đột phá về công tác chuyên môn để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng nhiều hình thức, giữ vững thành tích là một trong những ngôi trường tốp đầu của thành phố về chất lượng giáo dục”. Chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, thành phố Hà Giang đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 10 công trình trường, lớp học, công trình phụ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công tăng cường máy móc, nhân lực, ca, kíp, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, đảm bảo bàn giao trước thềm năm học mới. Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Giáo dục thành phố tập trung triển khai trong năm học mới là chuyển đổi số, phấn đấu khoảng 90% trường học trên địa bàn đạt chuyển đổi số mức độ 3 theo bộ tiêu chí đánh giá của Bộ GD&ĐT. Cùng với thành phố, các huyện cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa các công trình trường, lớp học, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20.8.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh trong năm học mới là chất lượng và giá cả sách giáo khoa. Hiện, các cơ sở cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh như: Nhà sách Hồng An, Nhà sách Tiện ích, Thế giới sách đều có đầy đủ các loại sách giáo khoa phục vụ năm học mới, các cơ sở cũng áp dụng các gói ưu đãi, quà tặng dành cho khách hàng. Ngoài ra, cặp sách và các loại đồ dùng học tập khác cũng vô cùng phong phú về mẫu mã, màu sắc, hình dáng phù hợp với sự yêu thích của học sinh. Đặc biệt năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, giá bìa các cuốn sách giáo khoa tái bản ở 9 khối lớp (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11) của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, bộ sách Chân trời sáng tạo giảm 11,2%. Đối với sách lớp 5, 9 và 12 xuất bản lần đầu, nhà xuất bản đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách tái bản.
Hiện nay, toàn tỉnh có 814 cơ sở giáo dục, 12 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học; 11 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 4 trung tâm tư vấn dịch vụ du học; 1.192 điểm trường với trên 269.900 học sinh; 17.925 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm học 2023 - 2024, các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai đồng bộ Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030” với quan điểm: Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy năng lực, phẩm chất người học. Qua đó, chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực.
Phong trào xây dựng trường học “xanh - an toàn - thân thiện”, “ngôi trường hạnh phúc”, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số triển khai mạnh mẽ; hệ thống mô hình thư viện đa dạng, phong phú; hoạt động rèn kỹ năng sống và giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh gắn với xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng học tập, rèn luyện phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạt chuẩn trình độ theo quy định; tích cực dạy thêm giờ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn học.
Những kết quả nổi bật trên là nền tảng quan trọng để ngành Giáo dục và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới với các nhiệm vụ trọng tâm: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đối với sự nghiệp GD&ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh các phòng trào thi đua, các cuộc vận động trong giáo dục; huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo yêu cầu dạy và học; ưu tiên chuyển đổi số giáo dục; tăng cường an ninh, an toàn trường học; hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới về GD&ĐT năm 2025...
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc