Vị Xuyên tìm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tự tử
BHG - Những năm qua, tự tử là vấn đề được quan tâm ở không ít nơi trong cả nước, trong đó có Hà Giang. Tại huyện Vị Xuyên, trước không ít trường hợp tự tử xảy ra ở một số xã, thị trấn do các nguyên nhân khác nhau, Đảng bộ, chính quyền huyện đã quan tâm, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương tìm các giải pháp phòng, chống.
Theo thống kê của huyện Vị Xuyên cho thấy, từ tháng 12.2022 đến tháng 12.2023, trên địa bàn huyện xảy ra 18 vụ tự tử, làm chết 18 người. Các vụ tự tử xảy ra tại 10 xã, thị trấn, gồm: Xã Thượng Sơn nhiều nhất với 6 người chết, tiếp đến là xã Thuận Hòa 3 người; xã Ngọc Linh 2 người; các xã Phương Tiến, Phú Linh, Đạo Đức, Linh Hồ, Trung Thành, thị trấn Vị Xuyên, xã Bạch Ngọc mỗi địa phương có 1 người chết do tự tử. Qua rà soát, phân tích trong số các trường hợp chết do tự tử nêu trên, dân tộc Tày có 7/18 người, chiếm đến 38,88 %; dân tộc Dao có 5/18 trường hợp, chiếm 27,77%; dân tộc Mông có 4/18 trường hợp, chiếm 22,22%; còn lại 2 trường hợp là dân tộc Kinh và Cờ Lao. Trong số 18 người chết do tự tử, có 14 người là nam.
Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là giải pháp cơ bản và lâu dài để hạn chế việc tự tử. Trong ảnh: Người dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) giao lưu thể thao. Ảnh: CTV |
Qua nắm bắt của các địa phương, nguyên nhân cơ bản của các vụ tự tử trên địa bàn là do bị ốm đau nặng, lâu ngày, bị bệnh tâm thần; có những trường hợp nghiện rượu; có trường hợp do mâu thuẫn gia đình và trầm cảm. Thêm số liệu cập nhật trong khoảng 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Vị Xuyên tiếp tục có 5 vụ tự tử với 5 người chết. Trước thực tế đó, việc tìm giải pháp ngăn chặn nạn tự tử được huyện Vị Xuyên rất quan tâm.
Được biết, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, mới đây Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức một hội nghị chuyên đề bàn giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nạn tự tử với sự tham gia phân tích, đánh giá, đưa ra nhiều giải pháp từ đại diện các cơ quan, như: Ban Dân vận Huyện ủy, các tổ chức chính trị - xã hội huyện, ngành Công an, GD&ĐT, Y tế và lãnh đạo Ủy ban MTTQ 24 xã, thị trấn. Hội nghị được đánh giá cao với các giải pháp sẽ góp phần tạo nên những thay đổi về nhận thức và hạn chế nạn tự tử trên địa bàn.
Theo đánh giá của các ngành chức năng huyện, địa bàn xảy ra các vụ tự tử trong huyện chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, mặt bằng dân trí không đồng đều; nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân ở những nơi này còn hạn chế. Các vụ tự tử xuất phát từ việc các nạn nhân thiếu bản lĩnh trước khó khăn, thử thách của cuộc sống; bế tắc trong quan hệ tình cảm, hôn nhân, gia đình, bạn bè; tiêu cực do mắc bệnh nặng. Đa phần nạn nhân là người bộc trực, nhưng cũng rất dễ tự ti, mặc cảm, thường sống khép kín, khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết kịp thời, hoặc bế tắc trong cuộc sống dễ nghĩ đến việc tự tử.
Từ các vụ tự tử đã tác động, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, tinh thần của gia đình có người tự tử và xã hội. Đồng chí Hoàng Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Vị Xuyên cho biết: Để phòng, chống làm giảm việc tự tử, cần thực hiện các giải pháp, như tích cực tuyên truyền Nghị quyết 27 của Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa tự tử; tuyên truyền phổ biến những hệ lụy của việc tự tử thông qua các phiên chợ nông thôn, các cuộc họp thôn, tổ dân phố, các hội đoàn thể; mỗi xã, thị trấn cần xây dựng một mô hình trở lên về phòng, chống việc tự tử.
Qua nắm bắt thực tiễn ở Vị Xuyên và các địa bàn khác trong tỉnh, thiết nghĩ cần quan tâm phát huy vai trò của các tổ hòa giải tại cơ sở nhằm kịp thời hòa giải, thuyết phục, ngăn ngừa những hành vi, dấu hiệu có thể dẫn đến tự tử; phát huy vai trò người có uy tín, trưởng dòng họ trong vận động bà con nâng cao nhận thức, nói không với tự tử; tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa cuộc sống cho từng lứa tuổi. Đặc biệt, các trường học cũng là môi trường quan trọng để giáo dục nâng cao nhận thức phòng, chống tự tử một cách hiệu quả.
Cùng với các giải pháp trên, việc phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là giải pháp cơ bản và lâu dài để hạn chế nạn tự tử. Các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT - XH, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
NHÓM PV
Ý kiến bạn đọc