Tăng cường phòng, chống bệnh Tả lợn châu Phi
BHG - Bệnh Tả lợn châu Phi (TLCP) hiện đang diễn biến phức tạp, các ổ bệnh phát sinh thời gian qua chủ yếu tại những địa bàn chưa áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, tại một số địa phương còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng, chống bệnh Tả lợn châu Phi.
Từ đầu tháng 7 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 13 ổ bệnh TLCP tại 7 xã trên địa bàn 4 huyện gồm: Quản Bạ, Xín Mần, Bắc Mê và thành phố Hà Giang. Buộc tiêu hủy gần 700 con lợn với trọng lượng 30 nghìn kg. Hiện nay, bệnh đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ lây lan diện rộng. Nguyên nhân do thời gian qua giá lợn hơi tăng cao dẫn tới người dân tranh thủ tái đàn. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô khi chưa đảm bảo an toàn sinh học; cùng với thời tiết thất thường tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đáng chú ý còn một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, khi lợn ốm chưa báo ngay cho chính quyền địa phương.
Hộ chăn nuôi lợn ở thành phố Hà Giang sử dụng các biện pháp an toàn sinh học để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi. |
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Nguyễn Thị Oanh, cho biết: Hiện nay có những hộ chăn nuôi chưa khai báo bệnh dịch kịp thời khi có lợn chết, khi bệnh dịch xảy ra trên diện rộng, số lượng lớn mới bắt đầu báo cáo. Chi cục đã trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra và chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý ổ bệnh, nhằm sớm khống chế dịch bệnh. Đến nay, nguyên tắc phòng, chống bệnh TLCP vẫn là thực hiện nghiêm ngặt chăn nuôi an toàn sinh học. Thực hành chăn nuôi tốt, cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm áp dụng hiệu quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện lợn ốm, chết nghi bệnh TLCP cần lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định chính xác bệnh. Thực hiện các biện pháp như cách ly lợn bệnh, tiêu hủy lợn chết, khử trùng dụng cụ, chuồng trại chăn nuôi.
Để tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn của gia đình, chị La Thị Nga, ở thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) cho biết: “Thực hiện công tác phòng, chống bệnh TLCP, ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi, gia đình tôi đã chú trọng đến việc chọn con giống đầu vào, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng, sát trùng chuồng trại định kỳ 1 tuần/lần, trộn bổ sung các chất dinh dưỡng vào thức ăn cho đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng. Trong thời gian này, gia đình đang thực hiện cách ly đàn vật nuôi để phòng, chống bệnh TLCP. Hằng ngày chú trọng kiểm tra sức khỏe đàn lợn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của bệnh”.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14.7.2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch TLCP. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện trên 660 ổ dịch bệnh TLCP tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con. Nhiều nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam… gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Bệnh dịch đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.
Để xử lý triệt để, không để bệnh TLCP lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đang ưu tiên tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống theo đúng quy định. Đặc biệt kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh nhằm bảo vệ đàn lợn khỏe mạnh.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc