Lý luận gắn với thực tiễn từ Đề án đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh đi nghiên cứu thực tế cơ sở
BHG - Năm 2020, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 40/ĐA-TU, về đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh Hà Giang đi thực tế cơ sở có kỳ hạn, giai đoạn 2020 – 2030. Trong khi chưa có nhiều tỉnh, thành thực hiện việc này thì Đề án là một sự mạnh dạn thúc đẩy việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, gắn chặt lý luận với thực tiễn.
Trường Chính trị tỉnh hiện có 32 giảng viên, trong đó trình độ chuyên môn có 1 tiến sỹ, 2 người đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ, còn lại là thạc sỹ. Đội ngũ giảng viên của trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, trước khi thực hiện Đề án, đội ngũ giảng viên của trường còn thiếu về số lượng và kiến thức thực tế, nhất là đối với đội ngũ giảng viên chưa kinh qua thực tế cơ sở. Đó là một hạn chế trong việc chuyển tải kiến thức và liên hệ thực tế đối với một số nội dung giảng dạy. Do đó, việc đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tiễn tại cơ sở là rất cần thiết.
Một buổi công bố quyết định cử giảng viên về xã Bằng Lang (Quang Bình) nghiên cứu thực tế. |
Có thể nói, việc cử giảng viên đi thực tế là một khâu trong quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ, giúp giảng viên có cơ hội rèn luyện, học hỏi từ thực tế cơ sở, tăng thêm bản lĩnh và gắn lý luận đã được học với thực tiễn. Qua đó, phát huy được năng lực, cơ hội phát triển và đáp ứng yêu cầu về cán bộ quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, góp phần thực hiện tiêu chí trường chính trị đạt chuẩn mà Trường Chính trị tỉnh đang thực hiện.
Ngay sau khi Đề án được Tỉnh ủy ban hành, Trường đã chủ động phối hợp, trao đổi thống nhất với các địa phương cơ sở trong việc bố trí giảng viên đến nghiên cứu thực tế. Từ đó đến nay, đã cử 18 giảng viên đi thực tế cơ sở có thời hạn. Đối tượng đi thực tế là lãnh đạo, quản lý, giảng viên chưa đi thực tế lần nào. Độ tuổi giảng viên đi thực tế là dưới 50 tuổi đối với nam và dưới 45 tuổi đối với nữ, thời gian đi thực tế từ 3 - 6 tháng.
Theo các giảng viên đã đi thực tế, quá trình về cơ sở được cấp ủy địa phương tiếp nhận, giao nhiệm vụ rõ ràng; được quan sát từ công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cơ sở đến các thôn, bản; việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Qua thực tế, giúp cho mỗi giảng viên hình dung, đối chiếu những vấn đề từ lý luận đến thực tiễn được thể hiện qua các hoạt động của địa phương. Kết thúc quá trình thực tế, mỗi giảng viên đều có báo cáo thu hoạch kết quả đi thực tế, đánh giá về thực trạng vấn đề nghiên cứu tại địa phương thực tế; có đề xuất giải pháp, kiến nghị với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi thực tế; vận dụng kết quả nghiên cứu thực tế vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, công tác lãnh đạo, quản lý.
Đồng chí Lê Quang Hùng, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, cho biết, anh từng được cử đi thực tế 5 tháng tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình. Qua thực tế giúp anh có nhiều bài học từ thực tiễn ở cơ sở; đặc biệt là việc được tiếp xúc, cảm nhận được suy nghĩ, tình cảm và nguyện vọng của người dân. Từ thực tiễn cơ sở, giúp anh vận dụng vào các bài giảng nhằm giảm phần lý luận, tăng dẫn chứng thực tế để giúp học viên dễ hiểu hơn.
Đồng chí Đỗ Thị Yến, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật cho biết, năm 2022 chị được đi thực tế tại xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên. Sau quá trình thực tế, giúp chị và các giảng viên bổ sung thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, thực tiễn cơ sở quý giá để phục vụ cho giảng dạy. Việc thực tế cũng giúp cho giảng viên bổ sung thêm khả năng tổng kết thực tiễn, thấy được sự vận dụng giữa lý luận và thực tiễn của cấp ủy cơ sở.
Có thể thấy, việc thực hiện Đề án về đưa giảng viên Trường Chính trị tỉnh đi thực tế cơ sở có kỳ hạn còn có ý nghĩa đối với các cơ sở nơi có giảng viên đến thực tế. Đồng chí Cấn Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND xã Phương Tiến, Vị Xuyên, nơi từng tiếp nhận giảng viên của Trường Chính trị tỉnh về thực tế cho biết, với kinh nghiệm về mặt lý luận của mình, giảng viên đã mạnh dạn thảo luận, tham mưu cho những vấn đề công việc của địa phương như việc triển khai các Nghị quyết 27, Nghị quyết 05 là những nghị quyết mới ra đời, địa phương còn bỡ ngỡ.
Đồng chí Phạm Sỹ Hùng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Qua thực tế triển khai Đề án, với 18 giảng viên đi thực tế, nhà trường nhận thấy ý thức, trách nhiệm, nhận thức về thực tiễn của mỗi giảng viên đều có sự tiến bộ rõ rệt; việc giảng dạy gắn lý luận sát với thực tiễn hơn; qua thực tế, nhà trường cũng đã xem xét bổ nhiệm một số đồng chí vào cương vị cao hơn. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đưa các giảng viên trong độ tuổi quy định đi thực tế cơ sở. Với những đồng chí đã đi cơ sở, sẽ tiếp tục xem xét bố trí thực tế ở các sở, ngành.
Huy Toán
Ý kiến bạn đọc