Những nẻo đường làm báo
BHG - Đầu năm 1973, lần đầu tiên đi cơ sở tôi gặp sự cố hi hữu: “tiến thoái, lưỡng nan”.
Khi tôi bước lên mấy bậc cầu thang nhà sàn vào nhà Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Lâm Đồng, xã Phương Thiện (Vị Xuyên) thì một cảnh tượng hãi hùng ập vào mắt tôi, cả nhà ông Chủ nhiệm HTX đi vắng, trong nhà chỉ có một bà điên, tóc xõa xượi, vẫy tôi rồi cười khanh khách. Nhìn bà cười với ánh mắt vô hồn. Mặt mũi, người ngợm hôi hám, quần áo rách nát. Tôi định về. Nhưng về làm sao được? Trước mặt tôi là bà điên, dưới chân cầu thang là con chó to, nằm án ngữ, phủ phục dưới chân cầu thang.
Tôi đứng như trời trồng suốt 4 giờ liền bên một bà điên từ sáng đến trưa. May quá, đến trưa ông Chủ nhiệm HTX về, tôi vội xin phép ông được làm việc để lấy tư liệu viết báo.
Lần khác, tôi lên Thôn Tha, xã Phương Độ (Vị Xuyên), trên đường đi gặp một thanh niên bị bệnh tâm thần, người trần như nhộng, một bên đường là sông, bên kia là rừng, đường vắng heo hút. Một nữ nhà báo trẻ mới bước vào nghề như tôi không sợ mới là lạ! Tôi tự trấn an mình và bình tĩnh đạp xe đi qua như không hề có chuyện gì xảy ra, trống ngực cứ đánh thình thịch.
Cựu nhà báo Nguyễn Thị Minh Đức (thứ 5 từ trái qua) cùng các con, cháu đoàn tụ chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. |
Đến Thôn Tha giữa trưa. Đói, mệt chẳng ngăn được tôi khai thác tài liệu và viết phóng sự: “Thôn Tha gặt nhanh”. Vài ngày sau khi nộp bài, bài của tôi đã được đăng tải trên Báo Hà Giang. Hạnh phúc lại vỡ òa xua tan hết mệt nhọc, sợ hãi.
Có một chuyến công tác nhớ đời không bao giờ quên, đó là lần tôi đi cùng với đồng chí Triệu Đức Thanh – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Xe đến nửa đường không đi tiếp được vì phải qua suối sâu, nước lũ. Lúc đó cả đoàn từ Chủ tịch đến chuyên viên tỉnh và các cán bộ của huyện Bắc Quang đều phải cởi quần dài mặc quần đùi lội suối. Còn tôi luống cuống không biết làm thế nào! Đồng chí Triệu Đức Thanh bảo anh chuyên viên cõng tôi qua suối. Tôi do dự ngần ngại rồi bất đắc dĩ đành phải để anh cõng qua và sau đó đi bộ tiếp vào một bản của người Mông và người Tày. Trên đường vào bản, lúc đó tôi đi giày cao gót, sau vài cây số chân phồng rát, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tinh ý phát hiện chân tôi đau và bảo anh chuyên viên vào quán nhỏ dọc đường mua cho tôi đôi dép lê làm tôi rất xúc động về sự quan tâm chu đáo của đồng chí Chủ tịch. Vốn là cán bộ lãnh đạo người địa phương từ cơ sở đi lên nên anh Triệu Đức Thanh biết dân cần gì, khó khăn gì để giúp đỡ. Sau khi họp xong, Chủ tịch UBND tỉnh bảo anh chuyên viên tặng cho tất cả bà con dự họp buổi tối hôm ấy mỗi người một cái đèn pin. Họp xong thay vì phải đốt đuốc đi về qua các bờ ruộng, mương nước, bà con đã có chiếc đèn pin soi đường đi lại rất dễ dàng, không lo đêm tối vấp ngã.
Lần khác, tôi đi cùng cán bộ Chi nhánh Điện Hà Giang lên Trạm thủy điện 302 để khắc phục sự cố ống xả bị pháo Trung Quốc bắn vỡ và đường dây bị đứt. Lúc tôi lên xe, anh Nguyễn Văn Chài, Trưởng chi nhánh nói với anh em: “Hay là chúng ta cứ mang sẵn 1, 2 cái quan tài đi, nếu chẳng may sự cố còn xử lý kịp thời…”. Nhưng anh em gạt đi: “Không phải mang đâu thủ trưởng ạ, chúng em tin là sẽ an toàn”. Và trong đêm ấy, họ lắp ngay ống xả mới để thay ống xả cũ và đấu nối các đường dây bị đứt. Nơi tôi đứng, anh em bảo hôm trước vừa có người bị mảnh đạn pháo bắn bay mông. Hồi ấy đi cơ sở giữa cái sống và cái chết tôi vẫn hăm hở không mảy may run sợ.
Suốt từ 7 giờ tối hôm trước tới 2 giờ sáng hôm sau, khi sự cố điện khắc phục xong, điện bừng sáng khắp các nẻo đường. Tôi cảm thấy được đi cùng các anh ở Điện lực Hà Giang, được chứng kiến sự hi sinh thầm lặng của họ để giữ vững dòng điện cho Hà Giang thật ý nghĩa biết chừng nào…
Lần khác tôi đến cửa hàng ăn “tuyến lửa”, phục vụ anh em ra mặt trận 24/24h. Trong lúc khó khăn, thực phẩm hết, không còn thịt để chế biến món ăn cho anh em bộ đội. Chị Nguyễn Thị Cầu, nhà ở gần cửa hàng đã chạy về nhà lấy 1 kg ruốc thịt lợn để anh em không bị nhỡ bữa. Tình cảm quân - dân khi chiến sự xảy ra thật xúc động, tôi đã viết phóng sự “Cửa hàng ăn tuyến lửa” được đăng tải trên Báo Hà Tuyên và được tuyển chọn đăng trong cuốn sách “Hà Tuyên chiến thắng”.
Và một kỷ niệm khó quên khác, đó là lần xe của đồng chí Đỗ Trọng Quý – nguyên Giám đốc Đoạn bảo dưỡng đường bộ 3, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đến đón tôi đi dự lễ trao thưởng cờ thi đua xuất sắc cho Hạt giao thông tuyến đường Hoàng Su Phì – Xín Mần. Khi xe đến nhà tôi chuẩn bị ra xe, hai cháu nhỏ đứa lên ba, đứa lên hai cứ ôm lấy chân mẹ khóc không cho mẹ đi, tôi phải dỗ dành: “Mẹ chỉ đi một tý rồi mẹ về”. Tôi lên xe ngoái lại nhìn con khóc trên tay bà ngoại mà trào dâng cảm xúc. Nhưng phía trước là tiếng gọi của cơ sở đang chờ đón tôi với một sự kiện quan trọng. Tôi hăm hở đi và có phóng sự “Mùa Xuân ở một cung đường”, bài viết phản ánh tinh thần đổi mới tư duy của cán bộ và công nhân nơi đây, họ thực hiện khoán người, khoán việc đem lại hiệu quả cao. Đường thông, hè thoáng và khi đường có sự cố sạt lở thì cả cung đường đều tập trung khắc phục hậu quả với những sáng kiến hay, lợi dụng sức nước thay sức người, bắc máng nước để đẩy đất sạt lở nhanh chóng nhất. Bình thường phải 4-5 ngày mới khắc phục được sự cố, nay chỉ có 2 ngày là xong. Bài viết của tôi mang tính phát hiện được thưởng phóng sự đạt chất lượng cao.
Mỗi nẻo đường làm báo có một kỷ niệm khó quên để tôi yêu quý nghề, gắn bó với nghề và truyền lửa nhiệt huyết với nghề cho các thế hệ con cháu để bây giờ gia đình tôi có 3 thế hệ làm báo (báo ông bà, báo mẹ, báo con).
51 năm trôi qua (1973 – 2024), làm Báo Đảng Hà Giang từ lúc còn công tác cho đến lúc nghỉ hưu về Hà Nội, lúc công tác còn xanh tóc nay đã lên chức mẹ, chức bà, và sắp lên chức cụ nhưng những kỷ niệm về những nẻo đường làm báo đầy gian khổ và tự hào vẫn không bao giờ quên vơi…
Để rồi, mỗi dịp 21.6 hàng năm, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cả gia đình tôi lại tổ chức làm lễ kỷ niệm với tất cả niềm vui, hạnh phúc và tự hào về nghề báo.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Minh Đức (Hà Nội)
Ý kiến bạn đọc