Hoàng Su Phì chú trọng đổi mới chất lượng giáo dục
BHG - Quan tâm ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo đủ số lượng, chất lượng; củng cố, sắp xếp phát triển mạng lưới trường, lớp... là những giải pháp đã và đang được ngành Giáo dục huyện Hoàng Su Phì tập trung triển khai.
Huyện Hoàng Su Phì có 59 trường học trực thuộc UBND huyện quản lý với tổng số trên 17.000 học sinh. Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm, tạo cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp học, xóa các phòng học tạm từ trường chính đến điểm trường, xây dựng nhà lưu trú học sinh… Trang thiết bị và đồ dùng dạy học ngày càng được tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Cấp ủy, chính quyền huyện thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các trường học vận động học sinh đến trường đảm bảo duy trì sĩ số hằng ngày; quản lý học sinh, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, lịch sử, văn hóa truyền thống, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Cùng với đó, ngành Giáo dục cũng chú trọng đổi mới công tác quản lý; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Trường PTDTBT THCS Chiến Phố tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thu hút sự tham gia của học sinh. |
Thầy Dương Hồng Chí, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Hoàng Su Phì cho biết: Nhà trường có 14 lớp, chia thành 2 bậc học, trong đó bậc THCS 250 học sinh, bậc THPT 201 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng năm học cụ thể. Trong đó, sử dụng đa dạng các hình thức tổ chức dạy học như dạy học trên lớp, ngoài lớp, dạy học chủ đề/chuyên đề, dạy học trải nghiệm; chú trọng các hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như đối thoại giữa Ban Giám hiệu nhà trường với học sinh, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, dạy học gắn với di tích lịch sử; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, hướng nghiệp... để khơi dậy hứng thú học tập trong học sinh.
Tuy nhiên, với đặc thù của huyện miền núi, biên giới, điều kiện KT-XH còn khó khăn, việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện cũng gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Việc vận động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số ở một số xã chưa đảm bảo, tỷ lệ huy động học sinh vào học THPT còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục đào tạo còn thiếu. Một số công trình nhà lớp học đưa vào sử dụng nhiều năm đến nay đã xuống cấp, diện tích phòng học chật hẹp gây khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Hoàng Đức Tân cho biết: Trên cơ sở nhìn nhận rõ những hạn chế còn tồn tại, các cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giáo dục tại địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phối hợp chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, đa dạng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục trên địa bàn, phát triển mạng lưới trường, lớp, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chỉ đạo ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đảm bảo theo phương châm “Dạy thật, học thật, chất lượng thật, kiểm tra thật, đánh giá thật”.
Bài, ảnh: YÊN HOA
Ý kiến bạn đọc