Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi
BHG - Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, đặc biệt cho trẻ làm quen với việc đọc, viết là hết sức quan trọng, giúp trẻ có thể tự tin bước vào lớp 1, thích ứng với việc học tập tại bậc tiểu học. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Vui vẻ, háo hức, cùng nhau tươi cười và đọc to những chữ cái khi được ghép đôi là hình ảnh của các bạn nhỏ lớp 5 tuổi Trường Mầm non Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) cùng nhau tham gia trò chơi “Mảnh ghép yêu thương”. Em Chu Hà An, lớp 5 tuổi B, chia sẻ: “Con rất thích trò chơi mảnh ghép yêu thương vì trò chơi này giúp con học thuộc bảng chữ cái để con bước vào lớp 1”. Khi tham gia trò chơi “Mảnh ghép yêu thương” các bạn nhỏ sẽ được cô giáo phát những mảnh ghép có chữ cái in hoa và in thường, sau một bài hát đi vòng tròn, nhiệm vụ của mỗi em là phải tìm các chữ cái có phát âm giống nhau để ghép lại và đọc to chữ cái đó. Được biết, đây là một trong những trò chơi mà các cô giáo của nhà trường đã nghĩ ra để giúp các con có thể thành thạo bảng chữ cái và yêu thích việc học tiếng Việt hơn.
Tiết học tiếng Việt của học sinh Trường Mầm non Ngọc Đường (thành phố Hà Giang). |
Cô giáo Nông Bích Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Đường cho biết: “Để giúp các em học sinh học tiếng Việt, làm quen với phát âm, các cô giáo đã nghĩ ra nhiều trò chơi, phương pháp học như đọc thơ, kể chuyện, đóng kịch… Bên cạnh đó, nhà trường chú ý tạo môi trường cho trẻ được giao tiếp nhằm phát triển ngôn ngữ. Giáo viên khi giao tiếp với trẻ phải nói đầy đủ câu, ngắn gọn, rõ ràng, đúng chuẩn mực để làm gương, rèn luyện cho trẻ hằng ngày. Đồng thời, phối hợp với cha mẹ tạo môi trường giao lưu ngôn ngữ tích cực, thường xuyên cho trẻ tại gia đình”.
Còn tại Trường Mần non xã Tùng Bá (Vị Xuyên), sau mỗi tiết học làm quen với chữ cái, các em học sinh lớp 5 tuổi của nhà trường sẽ tiếp tục được chơi trò chơi xếp chữ cái bằng chính những hạt ngô, hạt bí của địa phương. Thông qua đây, đã giúp cho các em trở nên háo hức hơn với tiết học. Em Nông Tú Cầm, lớp 5 tuổi A cho biết: “Con rất thích các trò chơi ở nhà trường, các cô giáo dạy đọc chữ rất dễ hiểu, giúp con dễ dàng nhận ra các mặt chữ cái”.
Lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ mẫu giáo. Để thích ứng với việc học tập và những điều kiện mới tại trường tiểu học, trẻ mẫu giáo cần chuẩn bị sẵn sàng về mọi phương diện, từ thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và khả năng thích ứng với việc học tập. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng đọc, viết sử dụng tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi là hết sức quan trọng, đảm bảo cho trẻ có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt, để trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tạo tiền đề cho việc học tập trước khi chuyển cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của tỉnh, ngay từ cấp học nhỏ nhất.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc