Sức trẻ xây dựng miền cực Bắc: Kỳ 2: Xung kích chuyển đổi số

10:27, 29/05/2024

BHG - Nghị quyết 18, ngày 29.10.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) là lực lượng xung kích thực hiện CĐS”. Nhận thức sâu sắc sứ mệnh của mình cũng như tầm quan trọng của CĐS trong dòng chảy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuổi trẻ Hà Giang đã, đang khẳng định bản lĩnh tiên phong, năng động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp CĐS để góp phần thực hiện thành công chiến lược CĐS của tỉnh trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trao “chìa khóa”

Xác định sự thống nhất trong nhận thức và hành động của ĐVTN chính là “chìa khóa” để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; các cấp Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS, năng lực số cho ĐVTN thông qua việc: Tổ chức Lễ phát động CĐS trong ĐVTN tỉnh Hà Giang; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CĐS, vai trò, tầm quan trọng của CĐS, xu thế công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR); đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền CĐS qua hệ thống website và hơn 200 trang mạng xã hội do Đoàn các cấp quản lý.

Tuổi trẻ Đoàn Khối cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh số hóa tài liệu bằng mã QR code, góp phần đổi mới phương thức hoạt động Đoàn.
Tuổi trẻ Đoàn Khối cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh số hóa tài liệu bằng mã QR code, góp phần đổi mới phương thức hoạt động Đoàn.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn phối hợp với Tổ thanh niên CĐS (Tập đoàn FPT) tổ chức các lớp tập huấn, giúp hơn 1.000 lượt cán bộ, ĐVTN hiểu về CĐS, nắm bắt mô hình CĐS hiệu quả. Đồng thời, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm CĐS tại Tập đoàn FPT, Tỉnh đoàn Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu; cử gần 150 cán bộ Đoàn chủ chốt các cấp tham gia khóa đào tạo nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng tư vấn thực hiện công tác tuyên truyền. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, ĐVTN đối với công tác CĐS, thúc đẩy nhu cầu tự thân của ĐNTN trong việc nâng cao năng lực số.

Hiện nay, các hoạt động và phong trào của Đoàn Thanh niên có nhiều đổi mới dựa trên nền tảng số. Trong đó, 100% văn bản (trừ văn bản mật) của các cấp Đoàn đều được gửi và xử lý trên hệ thống quản lý, điều hành văn bản; thông tin đoàn viên được số hóa trên phần mềm quản lý đoàn viên của T.Ư Đoàn. Đặc biệt, các cấp Đoàn còn tổ chức nhiều cuộc họp không giấy tờ thông qua việc gửi tài liệu đến hộp thư công vụ, số hóa tài liệu bằng mã QR code; tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Cách làm này đã chứng minh tính ưu việt, vừa cung cấp nhanh thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc. Mặt khác, nhiều cuộc thi trực tuyến được triển khai hiệu quả không chỉ thu hút đông đảo cán bộ, ĐVTN tham gia mà còn hội tụ “tinh hoa số”, tiêu biểu như: Cuộc thi sáng tác MV (Music video) “Men tình Hà Giang” đăng tải trên các nền tảng số; “Tuổi trẻ Hà Giang ứng dụng CĐS học tập tiếng Anh hiệu quả” hay cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, hiến kế của ĐVTN về CĐS trong công tác Đoàn, Hội, Đội và ứng dụng trong công việc của ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp tỉnh Hà Giang” với 62 bài dự thi chất lượng của cán bộ, ĐVTN trong tỉnh.

Ấn tượng hơn, năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đối thoại trực tiếp với thanh niên về chủ đề: “Thanh niên Hà Giang tiên phong CĐS và phát triển kinh tế”. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh đối với hoạt động CĐS trong ĐVTN. Qua đó, tạo diễn đàn để đánh giá kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ đối với ĐVTN; giúp ĐVTN bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình trong việc thúc đẩy ứng dụng CĐS vào công tác Đoàn cũng như hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển KT-XH trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mở “cánh cửa” thành công

Xác định CĐS phải có nhân lực số, BTV Tỉnh đoàn phối hợp với cơ quan liên quan thành lập 2.071 Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại 100% thôn, tổ dân phố với 12.131 thành viên; trong đó, ĐVTN giữ vai trò nòng cốt. Phát huy thế mạnh gần dân, sát dân, Tổ CNSCĐ đã lấy người dân làm trung tâm phục vụ, từng bước tạo nên những công dân số, cộng đồng số. Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Sơn Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Thông qua sự hướng dẫn tận tâm của các bạn ĐVTN trong Tổ CNSCĐ, ở tuổi ngoài 50, lần đầu tiên tôi biết cách sử dụng ứng dụng Viettel Money để thanh toán tiền điện và các dịch vụ khác bằng phương thức điện tử (không dùng tiền mặt); biết sử dụng ứng dụng Công dân số Hà Giang để tương tác với các cấp chính quyền. Với tôi, đây là những trải nghiệm hoàn toàn mới nhưng rất bổ ích, lý thú, giúp cuộc sống của tôi có thêm các phương thức hiện đại để hòa nhập vào kỷ nguyên số hiện nay”.

Cán bộ Đoàn xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 
										Ảnh: Thu phương
Cán bộ Đoàn xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 được tỉnh ta xác định là khâu then chốt trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và xây dựng chính quyền điện tử. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ trên, các Tổ CNSCĐ đã “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT. Anh Đặng Văn Phong, xã Tiên Kiều (Bắc Quang) chia sẻ: “Nếu như trước đây, muốn đăng ký TTHC, tôi phải đến bộ phận một cửa cấp xã hoặc huyện (cách nhà từ 7 – 35 km) nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay qua hướng dẫn của Tổ CNSCĐ tôi biết cách sử dụng DVCTT trên thiết bị di động thông minh để thực hiện giao dịch 24/24 giờ trong ngày và ở bất cứ nơi đâu miễn là có dịch vụ internet. Điều này giúp tôi tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả như trước. Hơn nữa, việc tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng dịch vụ công còn cho thấy sự tiện ích, công khai, minh bạch, mang đến sự hài lòng cho khách hàng”.

Phát huy sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học, công nghệ, tuổi trẻ tỉnh nhà đã, đang góp phần tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên khẳng định được thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP 3 – 4 sao cấp tỉnh. Điều đặc biệt ở đây, 100% sản phẩm OCOP đều được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử như Voso, Sendo, Postmart… Ngoài ra, ĐVTN còn bán hàng trực tiếp qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo). Từ đó, tạo nên phương thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiện đại hơn, hiệu quả hơn, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng. Để CĐS trở nên gần gũi, bắt đầu từ những việc đơn giản, thường nhật của người dân, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các ngân hàng thương mại triển khai mô hình “Chợ 4.0 – Thanh toán không dùng tiền mặt” tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Thay vì sử dụng tiền mặt trong giao dịch mua, bán như cách làm truyền thống thì nay người dân sử dụng phương thức thanh toán mới, an toàn, hiện đại thông qua quét mã QR code chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Tại huyện Xín Mần, qua đôi tay tài hoa của các bạn trẻ, những búp bê mang trang phục đồng bào Mông, Dao, Phù Lá, Nùng được thiết kế độc đáo, chất lượng cao trở thành sản phẩm lưu niệm ấn tượng dành cho du khách khi khám phá vùng đất phía Tây xinh đẹp của tỉnh. Anh Lộc Văn Huy, Bí thư Huyện đoàn Xín Mần cho biết: “Từ tháng 3.2023 đến nay, Huyện đoàn triển khai Dự án “Búp bê em gái các dân tộc” tại 5 xã với hơn 50 đoàn viên tham gia. Dự án này không chỉ giúp ĐNTN thêm trân quý, gìn giữ, phát huy nét đẹp độc đáo trong trang phục truyền thống của dân tộc mình mà còn tạo việc làm lúc nông nhàn, góp phần nâng cao thu nhập cho ĐVTN khi 1 sản phẩm búp bê có giá bán từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng. Đặc biệt, chúng tôi đã số hóa thông tin các bộ trang phục bằng sách điện tử và in mã QR code trên hộp quà giúp du khách dễ dàng truy xuất thông tin sản phẩm và các thông tin hữu ích khác liên quan đến du lịch Xín Mần bằng song ngữ Việt – Anh”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều mô hình mới, cách làm hay của ĐVTN trong thực hiện CĐS, ở đó có trí tuệ, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng khát vọng cống hiến luôn rực cháy trong tim, trở thành minh chứng sinh động cho tinh thần xung kích CĐS của ĐVTN. Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc vào năm 2030.

-------------

Kỳ cuối: “Tiếp lửa” cho thanh niên

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Cẩm nang” xóa bỏ hủ tục tại thành phố Hà Giang
BHG - Đám cưới không tổ chức linh đình, không thách cưới cao. Đám tang không kéo dài quá 48 giờ; hạn chế tối đa giết mổ gia súc, gia cầm, ăn uống dài ngày; các phường trên địa bàn thành phố “Nói không với vòng hoa, bức trướng”, “Nói không với rải tiền vàng xuống đường”... Đó là những kết quả bước đầu, nổi bật của thành phố Hà Giang trong việc thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022-2025, hướng đến năm 2030”.
29/05/2024
Ra quân chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè huyện Quang Bình năm 2024
BHG - Ngày 28.5, tại xã Tiên Yên, Huyện đoàn Quang Bình tổ chức Lễ ra quân chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè năm 2024. Chiến dịch nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong việc tham gia phát triển KT - XH; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đảm bảo QP - AN, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo. Tham dự có hơn 250 ĐVTN các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn.
29/05/2024
Xóa bỏ hủ tục, lan tỏa khí thế thi đua
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tiên phong, đi đầu trong xóa bỏ hủ tục. Qua đó tạo hiệu ứng tích cực, có tính lan tỏa cao trong nhân dân.
29/05/2024
Giải quyết việc làm góp phần đẩy lùi hủ tục
BHG - Xác định nâng cao chất lượng gắn với khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng góp phần phát triển KT – XH, tỉnh đã gắn tuyên truyền xóa bỏ hủ tục với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm (GQVL) cho lao động, thực hiện chính sách ưu đãi để thúc đẩy kinh tế địa phương.
29/05/2024