Chăm lo, bồi dưỡng thế hệ “măng non” của đất nước

09:35, 31/05/2024

BHG - Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình yêu thương chan chứa cho trẻ em. Người nói “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Nhớ lời Người, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo và có nhiều chính sách phù hợp nhằm phát triển thế hệ “măng non” của đất nước.

Tháng 9.2023, Phiên họp giả định toàn thể “Quốc hội trẻ em” diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) đã tập trung thảo luận vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong tổng số 263 đại biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố, tỉnh ta có 7 đại biểu thiếu nhi dự phiên họp và có 3 em tham gia các vị trí chủ chốt, quan trọng như: Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổ phó Tổ thảo luận kiêm Thư ký tổ giả định... Cùng với thiếu nhi cả nước các đại biểu Quốc hội trẻ em của tỉnh đã tự tin, bản lĩnh thể hiện sự chuyên nghiệp, phong thái chững chạc, suy nghĩ chín chắn, lập luận sắc bén. Qua phân tích thực trạng, nguyên nhân, thiếu nhi của tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp xác đáng nhằm bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em.

Cán bộ bảo tàng hướng dẫn học sinh tham quan, trải nghiệm và học tập tại Bảo tàng tỉnh.                            Ảnh: An Dương
Cán bộ bảo tàng hướng dẫn học sinh tham quan, trải nghiệm và học tập tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: An Dương

Trên địa bàn tỉnh ta, thời gian qua, nhiều diễn đàn, câu lạc bộ được tổ chức nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của trẻ em, trong đó tiêu biểu phải kể đến hoạt động của Hội đồng trẻ em (HĐTE) các huyện Mèo Vạc, Xín Mần… HĐTE huyện Mèo Vạc được thành lập năm 2019 với 31 thành viên là học sinh các trường THCS và Tiểu học. Sau 4 năm hoạt động, HĐTE huyện Mèo Vạc đã phát huy vai trò, nói lên ý kiến, nguyện vọng, đồng thời giúp các cơ quan, tổ chức hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp, chính sách về trẻ em. Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho Ban tham vấn, thành viên HĐTE, giáo viên, cán bộ làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú, như: Tập huấn nâng cao kỹ năng và thực hành thúc đẩy sự tham gia của trẻ; tập huấn cho giáo viên THPT về an ninh, an toàn trên không gian mạng; tập huấn cho HĐTE về kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình, trình bày... Qua đó, giúp trẻ em linh hoạt, tự tin hơn trong cuộc sống.

Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn rất nhiều khó khăn, nhưng hàng năm các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được cả hệ thống chính trị quan tâm. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em được cải thiện rõ rệt, nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ em từng bước được đáp ứng, trẻ em được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản; việc xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện được đẩy mạnh, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học và chất lượng giáo dục ngày càng tăng. Các chỉ số về trẻ em suy dinh dưỡng, tử vong giảm dần; 100% trẻ em duới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí; trẻ em khuyết tật được khám, chữa bệnh, phẫu thuật phục hồi chức năng hòa nhập cộng đồng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo... được quan tâm chăm sóc ngày một tốt hơn.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, như: Toàn tỉnh còn gần 7.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 170.000 trẻ em sống trong các hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trẻ em còn thiếu các sân chơi an toàn đạt tiêu chuẩn. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, trẻ em bị tai nạn thương tích, bỏ học còn xảy ra. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa được giải quyết triệt để.

Trước thực trạng trên, thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Chương trình của BTV Tỉnh ủy xác định mục tiêu đến năm 2030 tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh cho trẻ em; tạo điều kiện để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc tốt, phát triển toàn diện và thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Từng bước giảm chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em. Nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em.

Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh ta chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm các quy định, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính guơng mẫu của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; đảm bảo cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe. Đổi mới cơ chế, chính sách xã hội, khuyến khích, huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, xã hội tham gia bảo vệ trẻ em và thực hiện Chương trình sữa học đường. Đưa mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tạo sự đồng bộ, phát triển liên tục từ những năm đầu đời đến khi trưởng thành của trẻ em, nhất là nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện, đảm bảo trẻ em có cơ hội phát triển về thể chất, tinh thần, nhân cách, tài năng, trí tuệ.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên, tỉnh ta sẽ thực hiện thành công mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 16% vào năm 2025 và còn 15% vào năm 2030. Nâng tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm chủng trong các đợt chiến dịch đạt 95% trở lên vào năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi đạt 29%, trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98%. Năm 2030, tỷ lệ huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi đạt 30% trở lên, trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98% trở lên. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống dưới 2,5% vào năm 2025 và dưới 2,3% năm 2030; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp vào năm 2025 và đạt 95% năm 2030. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 - 17 tuổi xuống 1,5% năm 2025 và 1,2% năm 2030…

 THIÊN THANH


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Giang lần thứ IV
BHG - Chiều 30.5, thành phố Hà Giang tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ IV, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự đại hội có đồng chí Chúng Thị Chiên,  Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hà Giang; lãnh đạo một số sở, ngành, thành phố Hà Giang và 145 đại biểu người DTTS tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
31/05/2024
Đại hội Chi đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư
BHG - Chiều 30.5 Chi đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Đại hội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024 - 2027. Đến dự có đồng chí Lương Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&ĐT; Đoàn khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh.
30/05/2024
Sức trẻ xây dựng miền cực Bắc: Kỳ cuối: “Tiếp lửa” cho thanh niên
BHG - Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục của Đoàn; phát huy hiệu quả phong trào hành động cách mạng, đồng hành với thanh niên (TN); nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho TN... Đó là những giải pháp trọng tâm của các cấp Đoàn từ tỉnh đến cơ sở nhằm “tiếp lửa”, xây dựng thế hệ TN Hà Giang phát triển toàn diện.
30/05/2024
Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 6/2024
Nhiều chính sách mới liên quan tới kinh doanh vận tải, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2024.
30/05/2024