Ưu tiên chính sách thực hiện Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới
BHG - Thực hiện Thỏa thuận quản lý lao động (LĐ) qua biên giới giữa Hà Giang (Việt Nam) với châu Văn Sơn và thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh ta đã ban hành, ưu tiên các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ hợp tác, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm trên địa bàn.
Việc đưa người LĐ đi làm việc theo Thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới được Hà Giang quan tâm và xem là giải pháp quan trọng, lâu dài trong giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề đội ngũ LĐ và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chủ trương này, các ngành liên quan luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đưa LĐ sang Trung Quốc làm việc. Đặc biệt, năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27 quy định về hỗ trợ người LĐ tỉnh Hà Giang đi làm việc ở nước ngoài và đi làm việc ngoại tỉnh. Theo đó, đối tượng áp dụng là LĐ thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng cư trú trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài và ngoài tỉnh. Về mức hỗ trợ, đối với người LĐ đi làm việc tại Trung Quốc theo Thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới giữa Hà Giang với các địa phương phía Trung Quốc là 1,5 triệu đồng/người. Hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp được cho phép đưa LĐ sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận là 200 nghìn đồng/LĐ; kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương.
Ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Mậu Dịch Quốc Tế Thiên Thiện Đại Liên, Chi Nhánh Phú Ninh, Vân Nam (Trung Quốc) với Công ty TNHH một thành viên ZA GHI, Mèo Vạc (Hà Giang). |
Ngay sau khi Nghị quyết số 27 ra đời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07 quy định chi tiết thực hiện. Trong đó, nêu rõ đối tượng áp dụng, điều kiện, trình tự thực hiện hỗ trợ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 432 công bố thủ tục hành chính quy định một số chính sách hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài và đi làm việc ngoại tỉnh. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương có liên quan bám sát các quy định để triển khai thực hiện; hàng năm chủ động lập dự toán kinh phí thực hiện gửi cơ quan tài chính. Qua thực tế triển khai nghị quyết đã khuyến khích, động viên người LĐ, doanh nghiệp tham gia Thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 27, Hà Giang đã hỗ trợ người LĐ, đơn vị đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh và làm việc ở nước ngoài gần 5 tỷ đồng với trên 3.000 LĐ được hỗ trợ.
Tại huyện biên giới Yên Minh, năm 2023, toàn huyện có 3.258 LĐ đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, đạt 162,9% kế hoạch giao; trong đó có nhiều LĐ tham gia theo Thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới. Đồng chí Nguyễn Thị Hiên, Trưởng phòng Lao động, TB&XH huyện cho biết: Thực hiện các hoạt động hỗ trợ theo Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh, ngành thường xuyên đôn đốc các địa phương triển khai giải quyết chế độ chính sách hỗ trợ người LĐ. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt cán bộ chuyên môn, cán bộ phụ trách thôn, trưởng thôn, tổ dân phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ để người LĐ nắm và hoàn thiện hồ sơ thụ hưởng theo quy định. Riêng năm 2023, huyện đã đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết số 27 đối 334 LĐ với số tiền 504 triệu đồng. Qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người LĐ, khai thác tiềm năng thị trường LĐ dồi dào khu vực giáp biên và khắc phục tình trạng vượt biên trái phép và những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự.
Những kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 27 của HĐND tỉnh sẽ tiếp tục là động lực, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới. Thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác việc làm; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trái với thỏa ước.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc