Hội nghị trực tuyến liên ngành về tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người
BHG - Sáng 27.3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại các điểm cầu. Tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp & PTNT.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Cục Y tế dự phòng báo cáo tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm và bệnh dại trên người; lãnh đạo Cục Thú y báo cáo tình hình dịch bệnh trên động vật và các biện pháp phòng, chống một số bệnh lênh truyền từ động vật sang người. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia; trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên. Với cúm A(H5N1), kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, đến tháng 8.2022 và tháng 3.2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số ca tử vong trên người cao. Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước.
Đối với tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh ước tính có khoảng 110 nghìn con chó, mèo các loại; số chó được tiêm phòng bệnh dại là trên 22 nghìn con, đạt 20% so với tổng đàn. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.300 người bị chó, mèo, động vật cắn phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trong đó có 1 người tử vong do bệnh dại tại xã Quang Minh (Bắc Quang). Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép về mối nguy hại từ bệnh dại, nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi; quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán chó, mèo và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về chăn nuôi động vật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Biện pháp chủ động kiểm soát nguồn lây nhiễm bệnh; công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người cần sự phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ, thường xuyên; cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các cấp, các bộ, ban, ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng…
Tin, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc