Hiệu quả chương trình dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời
BHG - Thời gian qua, Tổ chức Plan tại Việt Nam hỗ trợ Hà Giang triển khai Chương trình Can thiệp dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, đã phát huy hiệu quả tích cực trong thúc đẩy phát triển tầm vóc, thể lực trẻ em vùng sâu, xa.
1.000 ngày đầu đời là thời điểm từ lúc phụ nữ bắt đầu có thai, kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi, đây được xem là giai đoạn “vàng” đối với sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, đối với địa bàn vùng cao như Hà Giang, quá trình này chưa được các bậc cha, mẹ coi trọng, đặt ra khó khăn lớn đối với ngành Y tế trong phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thống kê năm 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi toàn tỉnh chiếm 29,9%, suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 18,6%. Ngoài thành phố Hà Giang, 10 huyện còn lại đều có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng rất cao.
Trạm Y tế xã Hữu Vinh (Yên Minh) kiểm tra cân nặng, đo chiều cao định kỳ cho trẻ. |
Trước thực tế nêu trên, Chương trình Can thiệp dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Plan tài trợ thực hiện tại Hà Giang từ năm 2018, triển khai ở 16 xã tại 4 huyện, gồm: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh và Mèo Vạc. Với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, chương trình có sự phối hợp, tham gia chặt chẽ giữa Plan với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục, trường học và y tế. Do trình độ nhận thức của một bộ phận bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của nuôi dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời, nuôi con từ sữa mẹ, chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe thai kỳ được đặc biệt chú trọng. Tại các địa phương đã thành lập 64 Câu lạc bộ nhóm cha mẹ, 64 mô hình làm sữa từ hạt và triển khai 134 mô hình sinh kế dinh dưỡng tại gia đình như: Nuôi gà, chim bồ câu… để cung cấp bữa ăn hợp lý, đủ chất cho trẻ. Cùng với đó, Tổ chức Plan đã đồng hành với ngành Y tế tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ trung tâm y tế, người phụ trách câu lạc bộ, y tế thôn bản.
Có mặt tại Trạm Y tế xã Hữu Vinh (Yên Minh) vào đúng dịp diễn ra hoạt động tuyên truyền cho phụ nữ có thai, sau sinh về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Tại Phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ, các chị em được tư vấn, kết hợp khám thai, tìm hiểu về tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, nuôi con bằng sữa mẹ. Cùng với đó, các nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ không chỉ có sự tham gia của các bậc cha mẹ mà còn cả các thành viên trong gia đình, cùng nhau tiếp cận với các kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Không chỉ riêng xã Hữu Vinh, hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm hỗ trợ đều diễn ra rất sôi nổi, thiết thực tại các địa phương. Năm 2023, tại 16 xã triển khai chương trình đã tổ chức 21 lớp tập huấn, thu hút trên 1.000 phụ nữ có thai tham gia; tập huấn mô hình sinh kế dinh dưỡng cho 134 nhóm.
Đồng chí Vũ Hùng Vương, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Theo đánh giá của ngành, từ khi triển khai chương trình, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong 1.000 ngày đầu đời tại 16 xã có cải thiện nhất định. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, Tổ chức Plan đã hỗ trợ kinh phí giúp ngành triển khai nhiều hoạt động chuyên môn can thiệp phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ. Năm 2023, đã khám thai tại 100% thôn vùng dự án; cân, đo chiều cao cho 7.642 trẻ; hướng dẫn thực hành dinh dưỡng tại 204 thôn/16 xã dự án. Đồng thời, hỗ trợ thiết bị dụng cụ cân, đo suy dinh dưỡng, máy đo huyết áp, nước sát khuẩn cho trạm y tế. Đến nay, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm xuống còn 16,37%.
Mặc dù đã có nhiều cải thiện song tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức cao. Thời gian tới, Tổ chức Plan tiếp tục cam kết tiếp tục đồng hành với tỉnh triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, tập trung vào dinh dưỡng gia đình; nâng cao năng lực cho tình nguyện viên, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, sáng kiến hỗ trợ nhóm cha mẹ phát triển kinh tế; giám sát hoạt động y tế tại cấp xã… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức người dân, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ em.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc