Xuân về “Mỏm tột Bắc”
BHG - Thôn biên giới Séo Lủng nằm ở vị trí theo cách gọi của cố nhà văn Nguyễn Tuân từ năm 1960 là “Mỏm tột Bắc” của Tổ quốc, có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ trung tâm xã Lũng Cú, ngược con đường qua “Hồ Mắt Rồng” làng Lô Lô Chải, rồi qua Mốc 422 chưa đầy 3 km là đến thôn Séo Lủng. Thôn có hơn 3 km đường biên, trải dài từ Mốc 421+500 đến Mốc 428. Con đường bê tông dẫn vào thôn rực đỏ sắc cờ Đảng, cờ Tổ quốc cùng sắc hoa rực rỡ tô điểm cho vùng biên giới thêm rực rỡ những ngày Xuân.
Để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, trải nghiệm và chinh phục “Mỏm tột Bắc” của du khách, huyện Đồng Văn đã xây dựng một chòi vọng cảnh và khu vực dịch vụ phục vụ du khách đến chinh phục. Từ chòi vọng cảnh nhìn bao quanh là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn với trùng điệp những khoảnh ruộng bậc thang của vùng biên giới đầy sắc màu, là những nóc nhà trình tường, mái ngói âm dương, kiến trúc kiểu nhà truyền thống của đồng bào Mông; nhìn sang phía đối diện là nước bạn Trung Quốc. Tất cả vẽ nên một bức tranh địa đầu Tổ quốc với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng, thanh bình.
Du khách tham quan tại “Mỏm tột Bắc” Tổ quốc. Ảnh: PV |
Theo chân Thiếu tá Nguyễn Xuân Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú, chúng tôi đến thăm ngôi nhà gần “Mỏm tột Bắc” nhất, chủ nhà là anh Hờ Mí Thò, hiện là thôn đội trưởng, kiêm công an viên. Tiếp chúng tôi trong căn nhà kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông, được bài trí trang hoàng bằng các loại giấy xanh, đỏ, giấy bản, vàng, hương… để đón Tết. Ngồi bên bếp lửa ấm cúng trò chuyện, phía bên trên gác bếp khói nghi ngút đang treo đầy lạp sườn, thịt treo… đây chính là món đặc sản của vùng Cao nguyên đá Hà Giang; nồi mèn ném, bánh ngô, thịt rượu thơm lừng, được chuẩn bị tươm tất đã bày ra trang trọng chuẩn bị cho một cái Tết xum vầy; các nông cụ sản xuất như cày, cuốc, cối xay… đều được anh Thò “phong” lại bằng tờ giấy bản để cùng ăn Tết với gia chủ.
Hoa đào khoe sắc bên những ngôi nhà trình tường ở Séo Lủng. |
Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Séo Lủng Sùng Mí Mỷ chia sẻ: Thôn hiện có 48 hộ, 287 khẩu. Tết năm nay bà con vui lắm, vì nhà nhà đều có Tết và điều mừng nhất là nhiều hộ trong thôn có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò vỗ béo gắn với trồng cỏ… Riêng trong năm 2023, có 8 hộ thoát nghèo, nhiều đảng viên tiên phong làm ăn phát triển kinh tế. Trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn, do tập quán canh tác lạc hậu, cũng như thiếu đất, thiếu nước sản xuất. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện thì thôn Séo Lủng cũng như các thôn bản khác ở vùng biên cương này đã được đầu tư đường giao thông, trường học, điện lưới quốc gia, nhà văn hóa, người dân được hỗ trợ các mô hình sản xuất, nuôi bò sinh sản và đặc biệt là sự hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú. Hoạt động văn hóa, văn nghệ ở thôn được duy trì và phát triển, thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các dòng họ trong thôn; hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đã được xóa bỏ như ma chay, cưới xin được tổ chức gọn nhẹ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Chi bộ nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh thì người dân ở vùng biên cũng luôn chú trọng cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới.
Ông Sùng Chá Phừ, người dân trong thôn vừa được nhận một con bò sinh sản từ 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi có 11 khẩu, trước đây nghèo lắm, ăn không đủ no đâu, được sự quan của cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng giúp đỡ hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên cũng bớt khó khăn. Đặc biệt năm qua còn được Nhà nước hỗ trợ một con bò nái sinh sản.
Cùng đón niềm vui như ông Sùng Chá Phừ, ông Sùng Mí Cơ cũng vừa được bàn giao ngôi nhà mới khang trang. Không giấu niềm vui vì từ nay không còn phải ở trong ngôi nhà tạm bợ, chật chội nữa. Đưa chúng tôi tham quan ngôi nhà mới, ông Cơ vui vẻ giới thiệu: Ngôi nhà được sự hỗ trợ, giúp đỡ kêu gọi từ nguồn xã hội hóa của đồng chí Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú. Ngoài ra cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú và đoàn thể, chính quyền địa phương cũng giúp đỡ nên giảm được rất nhiều chi phí. Tuy là nhà cấp bốn, nhưng được thiết kế đầy đủ công năng, đảm bảo cho gia đình tôi sinh hoạt.
Với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, trong mùa Xuân mới của đất nước, nơi “Mỏm tột Bắc” Séo Lủng còn đang hiện hữu cả mùa Xuân của lòng người, mùa Xuân với cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Bài, ảnh: DƯƠNG NGỌC ĐỨC (Đồng Văn)
Ý kiến bạn đọc