Hành trình giảm nghèo bền vững
BHG - Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, với nguồn lực đầu tư lớn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân, nhiều chương trình, mô hình giảm nghèo được áp dụng hiệu quả; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm của tỉnh luôn vượt kế hoạch đề ra.
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhận thức và trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm 49,95% tổng số hộ toàn tỉnh. Nguyên nhân nghèo đa chiều chủ yếu do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động, công cụ, phương tiện, kiến thức về sản xuất. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Lãnh đạo Sở Lao động thương binh và Xã hội; Ủy ban MTTQ tỉnh ký kết phối hợp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. |
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hướng dẫn của các bộ, ngành và phân bổ nguồn vốn của T.Ư, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chương trình đến cấp ủy, chính quyền và nhân dân bằng nhiều hình thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo quy định, đảm bảo cơ sở pháp lý để quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình. Các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và đối tượng liên quan. HĐND các cấp ban hành nghị quyết phê duyệt danh mục và phân bổ vốn đầu tư; triển khai khởi công mới hàng trăm công trình thiết yếu về giao thông, điện, trường học, y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi và nhiều mô hình giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và dự án cộng đồng, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Hội chợ việc làm huyện Xín Mần năm 2023. |
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp tổ chức tập huấn Chương trình MTQG giảm nghèo cho lãnh đạo, cán bộ công chức cấp xã, trưởng thôn, tổ dân phố; triển khai dự án nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; ban hành hướng dẫn mẫu biểu, tài liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và tập huấn quy trình rà soát hộ nghèo đa chiều cho các địa phương; chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án, chỉ tiêu của Chương trình do ngành phụ trách. Năm 2023, nguồn vốn đầu tư phát triển của Chương trình đã thực hiện giải ngân 450 tỷ đồng, đạt 92,63% kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp đã giải ngân 562.267 triệu đồng, đạt 98,7% kế hoạch.
Cùng với đó, một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được tỉnh đặc biệt quan tâm là đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch, tuyển chọn và đưa 49 lao động đi làm việc thời vụ tại huyện Boeun, Hàn Quốc theo thỏa thuận; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở về chính sách lao động, việc làm; đẩy mạnh hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm gắn với thị trường và kết nối cung, cầu lao động; giới thiệu 7 doanh nghiệp về cơ sở tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp và 14 doanh nghiệp tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức 270 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho 17.204 người, trong đó giới thiệu việc làm thành công cho 1.008 người. Trong năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 27.357 lao động, đạt 153,7% kế hoạch, trong đó 310 người đi xuất khẩu lao động và gần 18 nghìn người đi làm việc ngoại tỉnh; đào tạo nghề cho 21.950/10.500 người, đạt 209% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,8%.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác được quan tâm, bố trí ngân sách và thực hiện hiệu quả, giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển KT - XH. Với các giải pháp đồng bộ, năm 2023, toàn tỉnh đã giảm 13.024/7.660 hộ nghèo đa chiều, tương đương giảm 7,21%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 42,74%.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Sùng Đại Hùng, chia sẻ: “Trong nửa đầu hành trình giảm nghèo bền vững theo tiêu chí nghèo đa chiều mới, giai đoạn 2021 - 2025, thành công lớn nhất của tỉnh là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo. Điều đó được chứng minh bằng số hộ giảm nghèo vượt cao so với kế hoạch; bên cạnh đó là sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện chương trình; là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện thành công các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc