Thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng dân tộc thiểu số
BHG - Là tỉnh miền núi, biên giới với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 87%, các định kiến, khuôn mẫu giới vẫn còn tồn tại trong cộng đồng đã khiến phụ nữ DTTS trở thành đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới trên nhiều lĩnh vực. Các cấp, ngành của tỉnh đã chú trọng nhiều giải pháp nỗ lực thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Tỉnh ta có 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc ít người như: Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô, Bố Y, La Chí, Pà Thẻn... Theo số liệu điều tra, tỷ lệ nam và nữ của tỉnh tương đối cân bằng (50,76% nam và 49,24% nữ), nhưng nhìn chung, phụ nữ DTTS vẫn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới. Trong đời sống kinh tế, phần lớn đồng bào quan niệm đàn ông là chủ gia đình, quản lý tài chính, chi tiêu, phụ nữ DTTS phụ thuộc lớn về kinh tế. Ở một số nơi, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn xảy ra. Đặc biệt, phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, việc làm.
Chị Thèn Thị Chíu, dân tộc Nùng, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Do định kiến giới nặng nề đã ăn sâu, bám rễ từ rất lâu trong cộng đồng DTTS nên chị em DTTS đa phần còn tâm lý tự ti, e dè, không dám đòi hỏi quyền lợi. Trình độ học vấn cũng thường kém hơn đàn ông, ít tham gia công tác xã hội, chủ yếu ở nhà làm nông và nội trợ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, phụ nữ DTTS đã từng bước mạnh dạn vươn lên khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Các chương trình như hỗ trợ phụ nữ học nghề, giải quyết việc làm, vay vốn, chăm sóc sức khỏe sinh sản... ngày càng được triển khai đồng bộ, sâu rộng đến từng thôn bản, giúp chị em phụ nữ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Phòng khám Đa khoa khu vực xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) tư vấn chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ. |
Xác định, bình đẳng giới là nội dung quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đã được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm triển khai. Các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến bình đẳng giới trên các lĩnh vực được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng như thông qua các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo, giao ban, đọc báo đầu giờ, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực tiếp tại chợ phiên...
Các địa phương duy trì và nhân rộng 872 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 1 Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài, 258 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 820 cuộc truyền thông tại cộng đồng về xoá bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em với 34.520 người tham gia; 390 cuộc truyền thông về kiến thức sinh đẻ an toàn; 32 Hội thi các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình, mua bán người... Qua đó, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được khống chế; tỷ lệ phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ đồng bào DTTS được tiếp cận với nguồn lực kinh tế, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và đào tạo, thông tin và truyền thông ngày được nâng lên.
Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện Chương trình Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cấp hoạch định chính sách của tỉnh. Triển khai các biện pháp nhằm từng bước tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Qua thống kê, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt HĐND và UBND tỉnh chiếm 28,6%; số các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có nữ lãnh đạo chủ chốt chiếm tỷ lệ 40,9%. Tỷ lệ các huyện, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 45,5%. Tỷ lệ cấp xã có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 60,6%.
Các cấp, ngành đã tăng cường huy động, cho vay vốn từ các chương trình, dự án với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế; tăng cường sự tiếp cận, tham gia của phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ vùng DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Đến hết năm 2023, số lao động nữ được học nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt tỷ lệ 51%; số lao động nữ được tạo việc làm mới chiếm 42%; tỷ lệ phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng DTTS có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình hàng năm đạt 100%. Duy trì hoạt động 548 Tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, hỗ trợ 19 tổ sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS.
Bên cạnh những kết quả đạt được, với đặc thù điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn; một số phong tục, tập quán lạc hậu, các định kiến, khuôn mẫu giới, cách ứng xử, phân biệt về vị trí, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng đồng bào DTTS đã làm ảnh hưởng đến kết quả triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Do đó, rất cần sự chung tay, vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc