“Gieo” tình yêu văn hóa vào trường học
BHG - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống (VHTT) là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó giáo dục giữ vai trò rất quan trọng; thông qua giáo dục, các giá trị lịch sử, VHTT các dân tộc được học sinh (HS) tìm hiểu, yêu thích, tôn trọng, gìn giữ và phát huy.
Năm học 2023 - 2024, Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh có 527 HS, gần 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Việc đưa VHTT vào giảng dạy trong nhà trường trở thành nền nếp thông qua các hoạt động: Tích hợp lịch sử, văn hóa vào các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân; tuyên truyền VHTT tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt lớp; tổ chức hội thi giới thiệu VHTT bằng tiếng Anh; bố trí không gian thư viện xanh trưng bày, giới thiệu nhạc cụ, trang phục dân tộc; thành lập CLB bảo tồn văn hóa dân gian; tham gia trình diễn văn hóa tại Phố đi bộ Nguyễn Trãi và các hội nghị quan trọng cấp tỉnh; tổ chức sân chơi vũ diệu trẻ, hội chợ quê, xây dựng các video clip giới thiệu VHTT, tái hiện các trích đoạn lễ hội. Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THPT tỉnh Phạm Thị Hà chia sẻ: “Thông qua nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, do chính các em HS là hạt nhân sáng tạo, tham gia đã khơi dậy tình yêu đối với VHTT và ý thức bảo vệ, gìn giữ, lan tỏa VHTT trong các em HS, tạo nên bức tranh dân tộc đa sắc màu, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp các em phát triển toàn diện hơn”.
Học sinh huyện Bắc Mê tìm hiểu không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc tại Liên hoan Dân ca dân vũ năm 2023. |
Xúng xính, lung linh sắc màu trong những bộ trang phục truyền thống, tự tin trình diễn nhiều điệu múa, điệu khèn, câu hát dân ca, hơn 300 HS đến từ các huyện, thành phố tham dự Liên hoan Dân ca, dân vũ học sinh phổ thông cấp tỉnh, lần thứ 2, năm 2023 để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Tiêu biểu như: HS huyện Quang Bình biểu diễn điệu hát Then của dân tộc Tày, múa dân vũ Pí lè dân tộc Dao và múa sắc màu thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn; HS Xín Mần hát “Không tảo hôn” dựa theo làn điệu dân ca dân tộc Mông; HS Bắc Quang múa tinh hoa giấy bản dân tộc Dao đỏ; HS Mèo Vạc múa hát giao duyên, HS thành phố Hà Giang múa bát dân tộc Tày. Ở trường, các em được truyền dạy VHTT, trên sân khấu của liên hoan, các em tự tin thể hiện tài năng, năng khiếu và vốn hiểu biết của mình về VHTT các dân tộc. Em Hoàng Duy Mạnh, HS lớp 8A2, Trường THCS Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) chia sẻ: “Thông qua những tiết mục biểu diễn, em mong muốn giới thiệu những nét đẹp VHTT của các dân tộc trên địa bàn thành phố đến với mọi người, từ đó lan tỏa đến cộng đồng thông điệp gìn giữ, phát huy văn hóa của địa phương, dân tộc mình”.
Nhiều địa phương, trường học có cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả như: Các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh thành lập câu lạc bộ khèn Mông, sáo Mông, truyền dạy nghề làm khèn Mông, thêu dệt thổ cẩm, tuyên truyền gìn giữ và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng văn; các trường học huyện Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê truyền dạy nghề đan lát, làm đồ trang sức, công cụ lao động, hát Then, đàn Tính, múa cấp sắc dân tộc Dao; Trường TH&THCS xã Xuân Giang (Quang Bình) xây dựng không gian văn hóa dân tộc; Trường THCS thị trấn Vị Xuyên thành lập câu lạc bộ VHTT đàn Tính, hát Then; các Trường PTDT nội trú, bán trú cho học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn.
Giáo dục VHTT các dân tộc cho HS không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, mà còn góp phần chuyển hóa sức mạnh tinh thần, năng lực trí tuệ, tình yêu văn hóa của tuổi trẻ thành sức mạnh vật chất, từng bước xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều nét VHTT đặc sắc của các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền thì việc giáo dục VHTT cho HS càng có ý nghĩa quan trọng để thế hệ trẻ thực sự là chủ nhân tiếp nối một cách khoa học, bền vững.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc