Đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các nhà máy thủy điện
BHG - Hiện nay, toàn tỉnh có 36 nhà máy thủy điện lớn, vừa và nhỏ, đây là những công trình công nghiệp có quy mô lớn và tính chất đặc thù với nhiều máy móc đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao trong quá trình vận hành, quản lý; cùng với đó là những yêu cầu khắt khe về điều kiện an toàn lao động và đặc biệt là an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Trong những năm qua, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra sự cố cháy nổ lớn, tuy nhiên những nguy cơ về cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn luôn tiềm ẩn. Do có đặc điểm, cấu trúc và các chi tiết nhỏ trong quá trình vận hành, làm việc đều ở trạng thái nhiệt độ cao dễ gây ra cháy nổ. Ngoài ra, nguồn nhiệt có khả năng xuất hiện gây cháy do sét đánh; do các sự cố quá tải, ngắn mạch; thiết bị cách điện bị lão hóa; do thao tác nhầm hoặc do cán bộ, công nhân viên sơ suất, bất cẩn, vi phạm quy định về an toàn PCCC... Với đặc điểm kiến trúc của hầu hết các nhà máy thủy điện được bố trí ngầm, nên khi xảy ra cháy, việc trao đổi khí kém dẫn đến phát sinh nhiều khói khí độc, khả năng thông gió kém dẫn đến nhiệt độ tăng nhanh làm sập phần mái, điều đó gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp cận hiện trường, triển khai công tác cứu nạn và tổ chức chữa cháy. Đồng thời đám cháy cũng sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn nếu không được kịp thời phát hiện và xử lý dập tắt sớm…
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại Nhà máy thủy điện Sông Lô 2 (Vị Xuyên). |
Xác định công tác đảm bảo an toàn PCCC là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi cơ sở, đặc biệt là với những công trình quy mô lớn và có nguy cơ cháy, nổ cao. Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn PCCC đối với lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở. Bên cạnh hoạt động kiểm tra, hướng dẫn thường xuyên của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thì công tác chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở của các công trình thủy điện là hết sức cần thiết, đó không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu mà còn là trách nhiệm của mọi cán bộ, công nhân.
Để đảm bảo an toàn PCCC, các nhà máy thủy điện cần có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn, lối thoát nạn phù hợp với thực tế; quy định phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC; công trình phải được thiết kế và thẩm duyệt về PCCC; có hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét; nơi sử dụng lửa, phát sinh nhiệt phải đảm bảo an toàn về PCCC; quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, chú trọng thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó lực lượng PCCC cơ sở giữ vai trò nòng cốt cần được tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, thường trực sẵn sàng chữa cháy; có phương án chữa cháy, thoát nạn và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của nhà máy thủy điện… từ đó, góp phần đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn điện phục vụ cho sản xuất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Bài, ảnh: Diệu Loan (Công an tỉnh)
Ý kiến bạn đọc