Bắc Mê những ngày đầu thành lập huyện

12:51, 10/01/2024

BHG - Huyện Bắc Mê được thành lập cách đây 40 năm. Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành, đến nay đang trở thành một trong những huyện động lực về phát triển KT - XH của tỉnh Hà Giang. Trong đó trung tâm huyện lỵ mới khang trang, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Nhưng những người đã từng công tác thời gian đầu thành lập huyện không thể quên những khó khăn ngày đầu thành lập huyện.

Thực trạng Tiểu khu Bắc Mê trước khi thành lập huyện

 Trước khi thành lập huyện, Bắc Mê là Tiểu khu của huyện Vị Xuyên gồm 10 xã. Từ thị xã Hà Giang đi Pác Mìa chỉ có 1 đường ô tô duy nhất mang tên Công trường Đại Thắng, đi xe U Oát phải mất 4 tiếng, vào mùa mưa nhiều chỗ lầy lội, người phải kéo xe; tại Nà Nèn - Yên Phú khu huyện lỵ bây giờ phải qua 2 con suối, nếu gặp lũ phải chờ nước rút mới đi được. Từ Pác Mìa đi các xã phía Đông của huyện phải qua phà vượt sông Gâm, mùa lũ không bắc được phà phải đi qua bến mảng ngã 3 suối Yên Cường; từ đó rẽ trái có đường rải cấp phối đi Bảo Lạc - Cao Bằng, rẽ phải là đường đất đi Yên Cường, nếu đi tiếp vào Đường Âm phải qua dốc 700 nơi rừng nguyên sinh quanh năm ẩm ướt.

Thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê ngày càng phát triển. Ảnh: HỒNG CỪ
Thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê ngày càng phát triển. Ảnh: HỒNG CỪ

Cả Tiểu khu khi đó còn 3 xã là Thượng Tân, Phú Nam và Giáp Trung chưa có đường ô tô đến trung tâm xã; riêng Giáp Trung mới mở mặt đường từng đoạn. Cán bộ vào Tiểu khu công tác thường phải đi bộ, nhiều đoạn qua lối tắt như: dốc Tạm Mò, xã Yên Định, xã Lạc Nông. Nếu đi thôn Kim Thạch, Minh Ngọc và xã Thượng Tân phải lội qua đoạn suối Vằng Hùm có chỗ sâu đến ngực người lớn, có việc cần đi phải lội sang theo cách của người dân sở tại. Đi xã Giáp Trung có thể từ Nà Nèn vào hay theo suối Nặm Nậng km 49 vào đến thôn Nà Bó thì leo ngược dốc rất cao phải nghỉ 2 lần mới lên đến trụ sở xã. Đi thôn Bản Lầng, Yên Phong bấy giờ phải theo đường ngựa đến bản Đuốc rồi tụt dốc đứng xuống tận suối; đi Bản Sáp Yên Phú phải đi qua Nà Phèn theo đường ngựa lách qua 1 vách đá hẹp; đi thôn Tấn Khau, Phú Nam phải leo dốc theo đường ngựa lên nghỉ dưới vòm đá lớn như mái nhà mới đi tiếp được. Cơ sở vật chất của Tiểu khu và các xã rất đơn sơ: Chỉ có 1 nhà gỗ 5 gian thưng ván, lợp lá, trong đó có 3 gian làm hội trường 2 gian cán bộ ở, với bàn ghế đơn sơ. Bên cạnh có sở vật chất của Lâm trường gồm 1 nhà xây cấp 4 với 3 gian và 1 nhà gỗ 5 gian lợp ngói, ở giữa sân có hòn non bộ và có nhà của Chi nhánh Ngân hàng; tại sân phía Đông có 2 nhà gỗ lợp ngói của tập thể công nhân. Phía trên đường có Bưu điện, dưới đường có nhà của Trạm thủy văn và nhà tập thể cán bộ Cửa hàng mua bán. Bệnh viện Tiểu khu cách trung tâm 200m về phía Nam là nhà gỗ lợp lá: 1 nhà làm việc 5 gian là nơi ở của cấn bộ y tế, 1 nhà bệnh nhân, 1 nhà sản khoa và 1 nhà bếp bệnh nhân…

Có thể khẳng định, khi chưa thành lập huyện thì Tiểu khu Bắc Mê là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Tuyên. Ngày nay thực trạng đó đã thay đổi hoàn toàn, Bắc Mê đã năng động sáng tạo vượt khó đi lên và phát triển trở thành huyện động lực phát triển của tỉnh Hà Giang. Nhưng khó khăn những ngày đầu thành lập huyện nhiều người không thể nào quên.

Không khí chuẩn bị thành lập huyện Bắc Mê và những ngày đầu ở huyện mới

Ngày 18 tháng 11 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 136-HĐBT về việc thành lập huyện Bắc Mê thuộc tỉnh Hà Tuyên. Trong thời gian thực hiện quy trình thành lập huyện, tỉnh Hà Tuyên và huyện Vị Xuyên đã có sự chuẩn bị về mọi mặt. Đồng thời tuyên truyền quán triệt chủ trương của tỉnh và của huyện về sự cần thiết thành lập huyện Bắc Mê, nhất là trong tình hình chiến sự biên giới Vị Xuyên ngày càng căng thẳng; xác định những khó khăn trước mắt ở huyện mới và động viên tinh thần cán bộ, nhân viên các cơ quan trong huyện chuyển công tác vào xây dựng huyện mới với tinh thần xung phong là chính.

Sau khi có Quyết định thành lập, huyện Vị Xuyên khi đó đã sử dụng lực lượng dân công các xã phía Đông của huyện gấp rút xây dựng lán trại tạm thời tại Tiểu khu, gồm: 1 dãy lán trại phía trên nhà Tiểu khu cho Phòng Nông lâm, Phòng Thủy lợi và Trạm đặc sản ở; 1 dãy lán trại tại sân Lâm trường cho Phòng Kế hoạch và Phòng Thống kê ở; 1 dãy lán trại làm bếp ăn của UBND huyện… các lán này đều dựng bằng cách chôn cột ngoãm, quây vách nứa và lợp cỏ gianh. Trước ngày 01.01.1984, các cơ quan của huyện Vị Xuyên chốt danh dách cán bộ chuyển vào Bắc Mê công tác là những người còn trẻ có quê ở Bắc Mê, những người tự nguyện xung phong và những người được tổ chức phân công. Đúng ngày chủ nhật 01.01, những người trong danh sách đi công tác huyện mới dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị; người nhà và anh em cơ quan cũng đến sớm để động viên, hộ đưa đồ lên xe và tiễn chân; cảnh chia tay giữa người đi và người ở lại diễn ra rất xúc động. Hơn 5 giờ sáng sương mù còn dày đặc, các xe đã xếp hàng nối đuôi nhau từ Cửa hàng Ngọc Đường đến ngã tư nơi tổ chức mít tinh. Khoảng 6 giờ cuộc mít tinh diễn ra, đến dự có đồng chí Hoàng Thừa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên và lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và lãnh đạo các phòng ban của 2 huyện Bắc Mê - Vị Xuyên, cùng đông đảo cán bộ công nhân viên chức và nhân dân. Đồng chí Nông Văn Mén, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê phụ trách khối văn xã đọc diễn văn cuộc mít tinh, sau đó đội hình bắt đầu xuất phát vào Bắc Mê. Xe lãnh đạo tỉnh và huyện đi trước, tiếp theo là các xe chở cán bộ lên công tác và sau cùng là các xe tải chở đồ của các cơ quan, có người đếm được 34 xe các loại. Đến trưa đoàn mới tập kết đến Tiểu khu. Việc trang trí khánh tiết nơi mít tinh đã được chuẩn bị sẵn tại sân Lâm trường, đại biểu các xã và nhân dân đã có mặt đầy đủ. Tại cuộc mít tinh đồng chí Hoàng Thừa công bố Quyết định thành lập huyện Bắc Mê của Hội đồng Bộ trưởng; công bố ra mắt BCH Huyện ủy lâm thời, trong đó: đồng chí Hoàng Văn Vương, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; công bố ra mắt UBND huyện lâm thời, trong đó đồng chí Mai Đức Toàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí Hoàng Văn Thài, Mã Văn Kỳ, Hoàng Quốc Phát - Phó Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Thạch, Ủy viên thư ký HĐND huyện.

Chiều ngày 01.01, cán bộ các cơ quan bốc dỡ đồ đưa vào lán trại đã bố trí sẵn, để xe kịp quay ra. Các cơ quan đoàn thể của huyện ở tạm hội trường Tiểu khu, các cơ quan khác chưa có lán trại và Văn phòng UBND huyện ở tạm nhà làm việc của Lâm trường; phòng Y tế và Cửa hàng được ở tạm Bệnh viện Tiểu khu… Trong mấy ngày đầu một số cán bộ không chuẩn bị đủ đồ dùng sinh hoạt cá nhân, không có dụng cụ nấu ăn mà Cửa hàng tiểu khu không có bán, phải sinh hoạt chung với anh em Văn phòng UBND huyện. Do từ thời gian tập kết đến Tết nguyên đán Giáp Tý chỉ còn khoảng 1 tháng, nên trong thời gian này các cơ quan tập trung tổng vệ sinh sắp xếp ổn định chỗ ăn, ở và làm việc tạm thời. Đồng thời tranh thủ xuống các xã nắm tình hình và điều tra cơ bản những vấn đề mà chuyên môn mình quan tâm, để xây dựng kế hoạch công tác chuyên môn năm 1984. Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện để trực Tết, trước hết là phải kiếm đủ củi để nấu ăn, sưởi ấm, trong khi thời tiết rét buốt kéo dài lại không có điện thắp sáng, Thủ trưởng cơ quan mới có 1 chiếc đèn Tọa đăng; cơ quan chưa có điện thoại, có người mang theo đài nhưng bắt sóng rất kém. Nhưng Tết năm đó cơ quan nào cũng có ít nhất 1 hoặc 2 người trực, không ai bỏ vị trí.

Bắc Mê tập trung xây dựng huyện lỵ sau ngày thành lập

BCH Huyện ủy Bắc Mê tham gia lao động xây dựng kênh dẫn nước thủy điện Bản Chăn năm 1986
BCH Huyện ủy Bắc Mê tham gia lao động xây dựng kênh dẫn nước thủy điện Bản Chăn năm 1986

Ngay sau khi thành lập huyện, BCH Huyện ủy Bắc Mê đã ra nghị quyết lãnh đạo, trong đó tập trung xây dựng cơ sở vật chất huyện lỵ. Nghỉ tết xong, cán bộ các cơ quan đã tập trung đầy đủ và bắt đầu xây dựng nơi ở và làm việc của cơ quan. Do kinh phí xây dựng khó khăn, tỉnh đã cho huyện tháo dỡ lấy cột bê tông vì kèo thép Trường Y sĩ Hà Giang đang bỏ trống, để làm nhà cơ quan, như: Hội trường lớn UBND huyện, nhà làm việc của phòng Tổ chức chính quyền và phòng Lao động TBXH… xây tường gạch, đa số lợp cót ép phủ giấy dầu. Nhà họp của UBND huyện xây 5 gian cấp 4 lợp ngói; còn lại nhà làm việc của các Ban xây dựng Đảng, nhà Thường trực UBND huyện, các cơ quan khối dân vận… được đầu tư làm nhà gỗ, thuê thợ khai thác gỗ Sâng ở dốc 700 về làm ngay; các cơ quan khối Nông lâm huy động cán bộ đi khai thác vật liệu ở khu phía trên thác Bản Tính hoặc suối Yên Cường xuôi mảng về làm nhà tại các địa điểm do huyện ấn định, nhà cán bộ tự làm là cột chôn lấy vầu làm vì kèo đôi xuyên con xỏ, lợp lá cọ, phên nứa, rất đẹp và chắc chắn.

Cả huyện lỵ lúc đó như một công trường xây dựng, chỉ sau một thời gian ngắn các cơ quan đã có chỗ ở và làm việc tương đối ổn định. Những năm sau các cơ quan chưa có nhà gỗ đã được đầu tư xây dựng dần như ban Định canh Định Cư, Phòng quản lý ruộng đất, hạt kiểm lâm… Riêng Bệnh viện huyện phải chuyển xuống khu vực km 61, cơ sở vật chất cũ không sử dụng lại được, huyện đã cho khai thác bãi cây Sấu trung tâm xã Yên Cường để làm nhà bệnh viện và nhà ở cho cán bộ phòng y tế. Cửa hàng Lương thực chuyển từ nhà Bang Tá về khu bệnh viện cũ, sau này là Nhà trẻ liên cơ. Năm 1984, huyện đã lắp đặt máy phát điện chạy dầu cấp điện thắp sáng cho khu trung tâm; sau đó các cơ quan đã được lắp đặt điện thoại cố định. Năm 1986 huyện xây dựng thủy điện Bản Chăn, huy động dân công các xã Yên Cường và Yên Phú và cán bộ tham gia xây dựng đường kênh dẫn nước; sau mấy năm thi công, huyện lỵ mới chính thức có điện ổn định. Cùng năm 1986 huyện xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho khu vực trung tâm, gồm: 1 bể lớn chứa và hệ thống ống dẫn; đang lắp đặt đường ống thì mưa to làm sói lở khe nước, đất đá tràn vào bể; không khắc phục được vì nguồn nước đã thẩm lậu xuống tầng dưới và công trình phải bỏ dở. Để bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là đường đi các xã phía Đông, vào mùa mưa mỗi khi nước sông Gâm lên, cầu phao bị tuột đầu bên kia, huyện phải huy động lực lượng kéo bắc lại. Trước khi chia tách tỉnh Hà Tuyên tái lập tỉnh Hà Giang, huyện được tỉnh đầu tư xây dựng cầu treo qua sông Gâm tại chỗ cầu cứng hiện nay. Huy động dân công các xã phía Đông xẻ gỗ nghiến làm dầm và ván mặt cầu, dùng sắt 6 buộc đầu dầm ngang cuốn lên cáp treo, đóng đinh liên kết giữa dầm và ván; mỗi bên giằng 2 dây thép làm lan can; qua nhiều lần xin kinh phí bổ sung, đến cuối năm 1993 cầu mới hoàn thành, xe con đi được. Nhưng cầu rung lắc, do dây cuốn cáp bị dồn làm mặt cầu võng nghiêng từng đoạn. Năm 1994 huyện chuyển chợ sang bên kia cầu treo tại sân Lâm trường mới, để tránh tắc đường đoạn khu phố, nhưng không thành; do cả người bán và người mua đều ở bên này. Đến khi nâng cấp lên Quốc lộ 34 mới được đầu tư cầu cứng. Năm 1993 huyện được đầu tư Trạm phát lại truyền hình, do yêu cầu kỹ thuật phải chọn địa điểm dựng cột ăng ten để có phạm vi phủ sóng tốt nhất; nên phải dựng cột ăng ten ở đầu Hội trường lớn UBND huyện, nhưng chỗ này là đất mượn, phía dưới có ao, nên hàng năm phải mời cán bộ kỹ thuật căn chỉnh Tăng - đơ dây vít. Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập huyện, đầu Hội trường lớn bị sụt lún hở chân tường, các bức tường khác bị tách khỏi cột bê tông phía trên, phải xây lại.

Quá trình xây dựng đã phát sinh nhu cầu đất ở để làm nhà tập thể cơ quan và nhà riêng của cán bộ công chức. Nhưng huyện chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhiều hộ cán bộ công chức phải làm nhà tạm gần cơ quan, trong đó có 1 nhà làm ngay cạnh khe nước đầu đường lên Huyện ủy và UBND huyện. Một số cán bộ làm nhà ở trên cao, có lúc phải vừa bế con vừa sách túi gạo lên dốc; cán bộ ở khu trung tâm đi bộ km 61 làm việc, buổi trưa về đón con xong chỉ kịp nhóm bếp nấu cơm, ăn xong lại phải đi làm không có thời gian nghỉ. Những hộ làm nhà dọc đường phía ta luy âm giáp bờ sông Gâm từ km 61 đến Cầu treo, một phía sát mép đường, một phía sát bờ sông không bảo đảm an toàn. Trường nội trú ở xa trung tâm lại sát bờ sông, học sinh không có điều kiện tiếp xúc xã hội ngoài giờ học và khó bảo đảm an toàn khi các cháu xuống sông tắm giặt, các trường ở khu vực huyện lỵ không đủ diện tích để đạt chuẩn. Nhiều hộ tiểu thương ở khu phố và một số cán bộ có khả năng làm nhà 2 hoặc 3 tầng nhưng không có đất xây dựng, do đó không có quán ăn nào bố trí được 2 mâm khách, có đám cưới phải tổ chức vào ngày nghỉ để nhờ địa điểm nhà trẻ liên cơ. Cả huyện lỵ không có chợ đúng nghĩa; không có sân bóng chuyền, chưa nói đến sân bóng đá gắn với Kỳ đài để tổ chức các kỳ cuộc mít tinh lớn; đặc biệt không có hệ thống cấp nước sinh hoạt và sóng truyền hình không phủ kín được. Các cơ quan khối Dân vận và khối Nông lâm cần được tiếp xúc với dân nhiều hơn, nhưng lại ở cao nhất vừa ngược dốc vừa xa đường, ô tô xe máy không lên đến cơ quan được. Bệnh viện huyện ở sát bờ suối chịu nguy cơ tiềm ẩn khi bị lũ quét và không đủ diện tích để xây dựng các công trình phụ trợ và các hoạt động dịch vụ khác... Do vậy, trải qua 10 năm xây dựng huyện lỵ Bắc Mê chỉ có nhà làm việc của Huyện ủy được xây dựng 2 tầng kiên cố, được bao xung quanh bằng những cây Tếch; còn nhà Kho Bạc bề thế phía dưới đường cũng bị nứt cánh gà.

Từ những khó khăn khách quan nêu trên, sau 10 năm xây dựng, huyện lỵ Bắc Mê thực sự lâm vào tình cảnh như một đứa trẻ đang lớn phải mặc chiếc áo quá chật. Vì vậy nhiều người mong ước có một địa điểm huyện lỵ mới để phát triển tốt hơn trong tương lai. Nhưng lúc đó có nhiều khó khăn, mãi đến năm 1999 việc chuyển huyện lỵ đi địa điểm khác mới được thực hiện. Được sự đầu tư của tỉnh, đồng thời dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã tích cực xây dựng huyện lỵ mới với tốc độ nhanh, ngày càng khang trang và sáng, đẹp như ngày nay.

Bài, ảnh: Đinh Minh Tung (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công nhận xã Mậu Duệ và Thông Nguyên đạt Đô thị loại V

BHG - Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận xã Mậu Duệ (Yên Minh) và Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) đạt tiêu chí Đô thị loại V.

10/01/2024
Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

BHG - Với phương châm đào tạo mũi nhọn song hành với giáo dục toàn diện, bên cạnh bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ươm mầm tài năng, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

10/01/2024
Hội nghị cán bộ, viên chức Báo Hà Giang

BHG - Chiều 9.1, Báo Hà Giang tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức (CBVC); triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chủ trì có đồng chí Nguyễn Trung Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Hà Giang.

10/01/2024
Tận tâm vì sức khỏe người bệnh

BHG - Sau 20 năm thành lập (2003) Bệnh viện Y dược cổ truyền Hà Giang đã đạt tiêu chuẩn chuyên khoa hạng II, phát triển theo hướng đa khoa y học cổ truyền, điều trị kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại và trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh.

09/01/2024