Xây dựng quy ước, hương ước gắn với thực tiễn đời sống
BHG - Thời gian qua, việc xây dựng quy ước, hương ước tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã bám sát thực tiễn, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, dân tộc, nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện. Góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thôn Nà Lòa, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) có 78 hộ, 380 khẩu, gồm 3 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Dao, Mông. Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vào tháng 11 vừa qua, 100% hộ dân trong thôn đã ký cam kết bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, Lý Văn Môn cho biết: Quy ước của thôn đã được xây dựng cách đây nhiều năm và thường xuyên được bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế. Tại Ngày hội Đại đoàn kết năm nay, Ban cán sự thôn đã bàn bạc kỹ lưỡng, tiến hành lấy ý kiến của các hộ dân để bổ sung cam kết bảo vệ môi trường. Việc bổ sung này được xây dựng dựa theo ý nguyện của người dân và phù hợp với chủ trương giữ vững các tiêu chí Nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền xã. Thông qua việc ký cam kết thực hiện đã huy động được sự tham gia của nhân dân trong việc thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm và khuôn viên gia đình, xây dựng 3 công trình vệ sinh. Qua đó, giúp bảo vệ môi trường sống luôn sạch, đẹp, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới.
Các hộ dân thôn Nà Lòa, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) ký cam kết bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”. |
Anh Lý Văn Cường, thôn Nà Lòa chia sẻ: Trong quá trình xây dựng quy ước của thôn, người dân chúng tôi đều được tham gia ý kiến, đóng góp, xây dựng. Nội dung ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu. Vì vậy, 100% hộ dân đều ký cam kết thực hiện. Các hộ đã phân chia nhau đảm nhận công việc vệ sinh tuyến đường nội thôn, phân loại, thu gom rác thải; trồng cây cảnh quan trong khuôn viên nhà ở và dọc các tuyến đường làng.
Còn với thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), người dân đã xây dựng quy ước của thôn cách đây khá nhiều năm. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh sẵn có, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Anh Triệu Mềnh Kinh, thôn Nậm Hồng cho biết: Với đặc thù thôn có gần 100% dân số là dân tộc Dao đỏ và đã được công nhận là Làng văn hóa du lịch cộng đồng nên trong quy ước đã bổ sung thêm các nội dung như bảo vệ cảnh quan môi trường sạch, đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ ký cam kết thực hiện quy ước nên các hộ dân có ý thức hơn trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật hay mắc các tệ nạn xã hội; tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư, xóa bỏ các hủ tục; giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Thôn nhiều năm liền được công nhận Thôn văn hóa.
Hiện nay, hầu hết các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và được phê duyệt hương ước, quy ước. Nội dung quy ước bám sát tình hình thực tế, phong tục tập quán, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật, tập trung vào các nội dung: Bảo vệ môi trường; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội; bảo vệ an ninh biên giới quốc gia; xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng Nông thôn mới... Việc xây dựng quy ước, hương ước được dựa trên nguyện vọng của người dân, người dân được tham gia ý kiến đóng góp và tự nguyện, tự giác thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Nội dung và hình thức của các bản quy ước, hương ước phù hợp với các nguyên tắc của quy định hiện hành. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất. Được phổ biến công khai tại các buổi họp thôn, tổ dân phố và niêm yết tại nhà văn hóa để mọi người đều đọc được, dễ hiểu, dễ nhớ. Việc theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện quy ước, hương ước được các khu dân cư đánh giá hàng năm qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố. Trong đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các gia đình thực hiện tốt. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, xây dựng mới hương ước, quy ước, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật hiện hành.
Có thể khẳng định, hương ước, quy ước ngày càng đi sâu vào nếp nghĩ, lối sống của người dân, trở thành hành động tự giác, tự nguyện và thường xuyên trong mỗi cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng trong phát triển KT-VH-XH ở địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc