Nâng cao nhận thức trong quản lý, sử dụng đồ gia dụng nhựa
BHG - Cùng với sự gia tăng về kinh tế, dân số và chất lượng cuộc sống thì nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng đa dạng, điều đó kéo theo sức ép đến môi trường do gia tăng các loại hình nguồn thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Nghiên cứu của cơ quan chuyên môn được công bố mới đây cho thấy, lượng CTRSH phát thải ra môi trường ngày càng nhiều, thành phần ngày càng phức tạp và đa dạng. Trên địa bàn tỉnh ta, tỷ lệ phát thải chất thải nhựa liên tục gia tăng, nguyên nhân do việc sử dụng đồ nhựa của người dân được xác định hiệu quả kinh tế và tính tiện ích. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt này đã tạo sức ép lớn lên môi trường sống, bởi lẽ thành phần chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi nilon là một trong những thách thức đối với công tác xử lý CTRSH. Bên cạnh đó, đo đặc điểm khí hậu tỉnh ta có độ ẩm không khí cao, lượng mưa lớn với tâm mưa tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên (đây cũng là khu vực có khối lượng phát sinh CTRSH cao nhất tỉnh), do đó hoạt động xử lý CTRSH và rác thải nhựa gặp nhiều khó khăn, một lượng lớn chất thải nhựa bị thải bỏ ra môi trường. Tìm hiểu thực tế cho thấy, dù ngành chức năng rất nỗ lực, nhưng thời gian qua, việc quản lý chất thải nhựa tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, túi nilon và các loại đồ nhựa dùng một lần thải bỏ bừa bãi, nhất là mùa cao điểm du lịch, đây đang là vấn đề đáng báo động trong quản lý môi trường du lịch của tỉnh.
Với đặc điểm thời gian phân hủy lâu, tồn tại trong môi trường từ hàng trăm đến hàng nghìn năm, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các thành phần môi trường do chất thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách. Hiện nay, tỉnh ta chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ thu gom chất thải nhựa mà chỉ có thống kê về tỷ lệ thu gom CTRSH, trong đó có chất thải nhựa và túi ni lông. Việc phân loại, thu gom chất thải nhựa có thể tái chế thường mang tính chất tự phát ở quy mô hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Chất thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với CTRSH đã được thu gom. Túi nilon sử dụng thường là loại siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần dùng do giá trị thu hồi tái chế thấp; tại các bãi chôn lấp, thành phần rác thải nhựa chiếm từ 12,5% - 18,6%, trung bình khoảng 16%; một số loại phế liệu nhựa thải như nilon, nhựa tái sinh từ vỏ đồ điện tử, tivi máy tính gần như ít được thu mua do giá trị kinh tế thấp, khó tái chế.
Thực trạng trên đòi hỏi mỗi người dân, các cơ quan quản lý, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ phát sinh chất thải nhựa ra môi trường, nhằm từng bước xây dựng môi trường sống trong lành, thân thiện.
Tiến Chiến
Ý kiến bạn đọc