Hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập
BHG - Chiều 15.8, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL chủ trì hội thảo. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
Năm 1999, Chính phủ giao cho Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng mô hình “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ hiếu học”, “Dòng họ học tập” với mục đích vận động người dân học tập thường xuyên, học tập suốt đời để bồi đắp tri thức, phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội ở địa phương, từ đó xây dựng XHHT ở nước ta. Sau 24 năm triển khai thực hiện, các mô hình học tập đã chứng minh vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, dòng họ trong việc phát triển KT-XH, giữ gìn nét đẹp văn hóa ở làng, xã, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Hà Giang. |
Đối với tỉnh Hà Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 148.810 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”; 1.820 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập”; 1.812 cộng đồng đăng ký “Cộng đồng học tập”; 817 đơn vị đăng ký “Đơn vị học tập” và 131.129 người (ước khoảng 19,5% số công dân trong toàn tỉnh) đăng ký “Công dân học tập”.
Tham luận của các đại biểu tại hội thảo đã khẳng định: Xây dựng XHHT, học tập suốt đời là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, nội dung quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển của xã hội. Đồng thời, phân tích, làm rõ mối quan hệ giữa gia đình học tập với gia đình văn hóa, tổ văn hóa với cộng đồng học tập trong bình xét các danh hiệu thi đua hiện nay; mối quan hệ giữa phát triển văn hóa, giáo dục với phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới. Đề xuất cấp có thẩm quyền gắn kết mô hình “Gia đình học tập” vào việc đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhằm góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Hội thảo là dịp để các cấp, ngành nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng giáo dục, cung cấp nguồn lực con người và giữ gìn ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước. Đề nghị các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục, xây dựng XHHT. Đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình, dòng họ học tập. Từ đó, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc; góp phần xây dựng, phát triển, chấn hưng nền văn hóa Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Tin, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc