Cẩn trọng với mưa, lũ gây ngập úng và sạt lở đất
BHG - Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn, gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Tình hình thời tiết vẫn đang có diễn biến phức tạp, vì vậy người dân cần có những biện pháp phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai.
Với địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, địa chất không đồng nhất, hàng năm Hà Giang thường xuyên hứng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh cho thấy: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 10 đợt thiên tai, chủ yếu là rét hại, mưa vừa đến mưa to kèm dông, lốc, sét, làm thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Thiên tai làm 4 người chết, hư hại hàng trăm ngôi nhà và hàng nghìn ha cây trồng của nhân dân. Chỉ tính từ ngày 1 – 8.8, mưa lớn liên tục xảy ra gây một số thiệt hại tại các huyện: Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Yên Minh. Trong đó, đã làm 1 người chết do bị sét đánh tại huyện Hoàng Su Phì, 8 ngôi nhà bị tốc mái và sạt lở đất, đá tràn vào. Bên cạnh đó, mưa lũ đã làm thiệt hại nhiều hoa màu của người dân với 20 ha cây lúa bị nước cuốn trôi mức độ thiệt hại hơn 70%. Hơn 20 ha ngô và lạc bị thiệt hại, gần 6 nghìn cây quế ở huyện Quang Bình bị gãy đổ; nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân. Ước tổng thiệt hại từ đầu năm đến nay gần 60 tỷ đồng.
Hiện trường vụ sạt lở đất vùi lấp một nhà dân làm 4 người thương vong ở xã Ngàm Đăng Vài (Hoàng Su Phì) vào ngày 5.7. |
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, lũ ống, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Công điện số 08 của Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT. Trong đó, chỉ đạo các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân, khách du lịch biết để chủ động phòng tránh. Cùng với đó, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, lưu ý những khu vực tập trung đông người, khu du lịch,… Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Đồng thời, triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng, chống ngập. Sẵn sàng phương tiện, lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi yêu cầu.
Đối với việc quản lý, thực hiện các quy trình vận hành hồ chứa đã được các đơn vị, ngành chức năng quán triệt nghiêm túc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 40 nhà máy thủy điện đang phát điện vào lưới điện Quốc gia với tổng công suất lắp máy là 752,5 MW. Việc vận hành công trình thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa đã được các chủ đập thủy điện tuân thủ, chấp hành tốt quy trình vận hành đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các chủ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, thực hiện đúng quy định trước khi xả lũ, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để dự báo thủy văn cho công trình. Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và phản ứng nhanh với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sông tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy. Công tác điều hành hồ chứa trong mùa mưa lũ, mùa khô kiệt, bảo đảm an toàn cho hạ du, sản xuất nông nghiệp cũng như bảo đảm sinh hoạt cho người dân, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo các bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Giang, trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh có xảy ra mưa rào và rải rác, cục bộ có nơi mưa to và rất to với lượng mưa có thể đạt trên 70 mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Vì vậy, các địa phương, người dân cần cẩn trọng với mưa lũ và sạt lở đất có thể xảy ra, nhất là các huyện: Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Quang Bình, Bắc Mê, Quản Bạ, Xín Mần.
Bài, ảnh: VĂN LONG
Ý kiến bạn đọc