Băng rừng, vượt núi cấp căn cước cho người dân Mèo Vạc

13:42, 15/08/2023

BHG - Mèo Vạc là huyện biên giới của tỉnh, có 17 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 78%. Cư dân ở đây sống rải rác trên các sườn núi cao hoặc các thung lũng, địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh và độ dốc lớn. Thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, thời gian qua, các lực lượng chức năng của huyện không ngại khó khăn, băng rừng, vượt núi, hỗ trợ người dân cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử.

Mặc dù đã 12h35 phút, nhiệt độ ngoài trời 35 - 36 độ, tổ công tác thực hiện Đề án 06 xã Pả Vi vẫn miệt mài tìm vị trí có sóng 4G cũng như địa điểm quét nhận diện khuôn mặt công dân. Nếu như ở địa bàn dễ bắt mạng internet thì chỉ cần thao tác 5 - 10 giây là xong, tuy nhiên ở độ cao trên 1.800 m so với mặt nước biển thì rất khó khăn. Từ đó, bất kể khu vực nương ngô, vườn cỏ hay hốc đá cũng đều là địa điểm để các lực lượng thực hiện kích hoạt định danh điện tử cho đồng bào. Thượng úy Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an xã Pả Vi chia sẻ: Với đặc thù đồng bào sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, không tập trung nên rất khó cho anh em làm nhiệm vụ. Cùng với đó, nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số, chưa hiểu rõ những tiện ích của CCCD gắn chip và cho rằng việc làm CCCD gắn chip làm mất thời gian; do điều kiện kinh tế còn khó khăn, số công dân không sử dụng điện thoại hoặc điện thoại không đủ cấu hình chiếm tỷ lệ cao dẫn đến không thể cài đặt ứng dụng VneID… Nhưng với sự quyết tâm cao của lực lượng thực thi nhiệm vụ, tính đến hết tháng 6, huyện Mèo Vạc đã cấp 58.742/58.742 CCCD, đạt 100%; thu nhận 30.437 hồ sơ mức độ 2, kích hoạt 29.064 hồ sơ định danh mức độ 1,2... được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh triển khai cấp CCCD và tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Để có thể quét nhận diện khuôn mặt thuận lợi, người dân phải chui vào hốc đá thực hiện.
Để có thể quét nhận diện khuôn mặt thuận lợi, người dân phải chui vào hốc đá thực hiện.

Chị Thò Thị Súng, thôn Ha Súng, xã Pả Vi phấn khởi cho biết: Thời gian này chúng tôi đang bận rộn với mùa vụ, được các cán bộ đến tận nơi hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử tôi rất vui vì không phải đi bộ xuống núi để thực hiện. Ai cũng phấn khởi trước sự nhiệt tình và chu đáo của cán bộ tổ cấp CCCD lưu động.

Được hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử tại trụ sở thôn, anh Vừ Mí Chứ ở thôn Xín Thầu, xã Khâu Vai chia sẻ: Làm thẻ CCCD gắn chíp điện tử và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID tôi vui lắm, sau khi được các cán bộ hướng dẫn thực hiện tôi thấy rất tiện ích vì tích hợp đầy đủ thông tin về CCCD, giấy phép lái xe, thẻ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội… giúp tôi thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, không cần mang nhiều loại giấy tờ.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mèo Vạc, đoàn xã Pả Vi hướng dẫn đồng bào đăng ký tài khoản định danh điện tử.
Lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc, đoàn xã Pả Vi hướng dẫn đồng bào đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ công trên môi trường điện tử thay vì phải sử dụng nhiều loại giấy tờ cá nhân, Công an huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, từng bước tiếp cận, kích hoạt, sử dụng ứng dụng VNEID, tài khoản định danh điện tử. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đi làm ngoài tỉnh tương đối cao, để đảm bảo chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip và tài khoản định danh điện tử cho công dân, Công an huyện đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, người có uy tín tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào nhận thức về tầm quan trọng của Đề án 06. Chủ động phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể như: MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Nông dân… đến từng khu dân cư, trường học tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ngoài việc tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD, định danh điện tử cho công dân tại trụ sở, Công an các địa phương còn thành lập tổ công tác đến tận nơi làm thủ tục cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt như: Người già yếu, bệnh tật, gặp khó khăn trong việc đi lại.

Việc tạo lập tài khoản định danh điện tử được xem là giải pháp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp tổ chức, cá nhân không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công mà không cần phải trực tiếp đến các cơ quan hành chính để giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương rất cần có sự chung tay của mỗi người dân để hoàn thành mục tiêu đề ra. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, nền hành chính số văn minh, hiện đại.

Bài, ảnh: Minh Đức


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cung ứng hơn 107.000 liều vắc xin Viêm da nổi cục cho các huyện, thành phố
BHG - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vừa cung ứng hơn 107.000 liều vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2023 cho 11 huyện, thành phố.
14/08/2023
Báo Hà Giang tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2023
BHG - Chiều 14.8, Báo Hà Giang tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ) năm 2023. Dự ngày hội có các đồng chí: Nguyễn Trung Thu, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Hà Giang và đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Công an tỉnh; Đài PT-TH tỉnh; Công ty In Hà Giang…
14/08/2023
Báo Hà Giang tiên phong bảo vệ an ninh Tổ quốc
BHG - Báo Hà Giang là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận tư tưởng chính trị của Đảng cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện sứ mệnh của mình, Báo Hà Giang đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn, hiệu quả thông tin; quyết tâm, quyết liệt xây dựng cơ quan trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).
14/08/2023
Đánh giá cán bộ hàng tháng trong hệ thống chính trị huyện Quang Bình
BHG - Đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng liên quan đến các khâu khác của công tác cán bộ. Để đánh giá cán bộ một cách thận trọng, kỹ lưỡng, nhiều chiều, bắt đầu từ tháng 3 năm nay, toàn hệ thống chính trị thuộc huyện Quang Bình thực hiện đánh giá, xếp loại hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Mặc dù mới triển khai nhưng mô hình này có nhiều điểm mới, giải quyết được những khó khăn, điểm nghẽn trong đánh giá cán bộ hiện nay.
14/08/2023