Những cựu chiến binh gương mẫu
BHG - Dành cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, câu chuyện đời lính của những cựu chiến binh (CCB) thật mộc mạc, giản dị nhưng luôn lấp lánh, sáng ngời phẩm chất của người lính bộ đội Cụ Hồ. Sự kiên trì vượt khó đi lên trong bất cứ hoàn cảnh nào của các thế hệ cha anh đã bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, góp phần không nhỏ trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng biên cương Hà Giang ngày càng giàu đẹp.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tích (ngồi giữa) ôn lại những năm tháng chiến đấu chống Mỹ cứu nước. |
“Ra đi giữ trọn lời thề, đánh tan giặc Mỹ mới về quê hương”, mang trong mình khát vọng của tuổi trẻ là được cống hiến cho đất nước, ở tuổi đôi mươi, thanh niên Nguyễn Xuân Tích, tổ 3, thị trấn Nông trường Việt Lâm (Vị Xuyên) đã tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành người lính thuộc Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh. Những năm 1968, trên vùng đất từ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình đến Cam Ranh (Khánh Hòa) chiến trường đổ lửa, rất ác liệt. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy, chiến sỹ Tích trực tiếp chiến đấu, không biết hy sinh lúc nào nhưng ông cùng đồng đội luôn sẵn sàng tinh thần xả thân quên mình, kiên cường, dũng cảm vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày thống nhất non sông, năm 1976, ông trở về địa phương, phụ trách quản lý Hợp tác xã, công tác Hội Nông dân của thị trấn, sau đó nghỉ hưu. Không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, CCB Nguyễn Xuân Tích còn là người có uy tín, đầu tàu trong phong trào lao động, sản xuất giỏi, với mức thu nhập đạt 170 triệu đồng/năm. Trong niềm cảm xúc khó tả của người lính già, ông Tích chia sẻ: “Dù mang trong mình chất độc hóa học da cam/dioxin, những khi trái nắng trở trời khắp cơ thể đau nhức, chân đi lại khó khăn, song tôi vượt qua tất cả để quyết tâm chiến thắng đói nghèo. Theo kinh nghiệm lấy ngắn, nuôi dài, tôi đã khai hoang, lập nghiệp, gây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp trâu, bò, lợn, gà, cá. Cứ mỗi lần bán có lãi, tôi lại tái đầu tư phát triển đàn đại gia súc. Đến bây giờ, tôi truyền lại nghề cho con, cháu để tạo kế sinh nhai, ổn định cuộc sống”.
Đã là người lính bộ đội Cụ Hồ thì càng phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, với suy nghĩ tích cực đó, nhiều năm qua, CCB Hoàng Văn Lứu, thôn Quyền, xã Xuân Giang (Quang Bình) là tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo lời Bác. Tận dụng đất đai bằng phẳng, nguồn nước tự nhiên dồi dào, ông đào ao thả các loại cá Trắm, Trôi, Chép, nuôi lợn thương phẩm, trồng 4 ha rừng keo, quế. Từ mô hình kinh tế tổng hợp đem lại cho gia đình ông khoảng 100 triệu đồng/năm. Cùng với phát triển kinh tế, ông Lứu được đánh giá là người nhiệt tình, có trách nhiệm với tổ chức Hội CCB, có lối sống chan hòa, gần gũi, thường xuyên hướng dẫn hội viên và bà con trong thôn học hỏi, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực trong giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Trân quý lời dạy của Bác, những người lính đã từng bước qua tuyến lửa, chiến hào để bảo vệ đất nước đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển KT - XH của tỉnh. Cùng với việc thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình người có công, thương binh, liệt sỹ, Hội CCB các cấp trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các cuộc vận động, phong trào, khai thác các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng Nông thôn mới, chăm lo đời sống cho các hội viên. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các CCB vươn lên trong cuộc sống, gắn với phát hiện, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, nhân tố mới trong lao động, sản xuất và trên nhiều lĩnh vực khác. Tin chắc rằng, với lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước, các CCB sẽ mãi là tấm gương mẫu mực cho lớp trẻ noi theo.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc