Vị Xuyên chủ động phòng, chống thiên tai mùa mưa bão
BHG - Bên cạnh công tác khắc phục hậu quả thiên tai, thời gian qua, huyện Vị Xuyên chủ động xây dựng kế hoạch, các phương án phòng, chống cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện năm 2023.
Nhà dân ở xã Ngọc Minh bị tốc mái sau mưa lớn. Ảnh CTV |
Vị Xuyên là huyện vùng núi thấp, sườn thoải xen kẽ những thung lũng tạo thành những cánh đồng rộng lớn cùng với hệ thống những sông, suối, ao hồ. Độ cao trung bình từ 300 - 400 m so với mặt nước biển, chia làm 3 loại địa hình: Địa hình núi cao có độ cao trung bình trên 1.000 m; địa hình núi thấp có độ cao từ 500 - 800 m; địa hình thấp dạng xen kẽ giữa các đồi núi cao trung bình dưới 500 m. Loại hình thiên tai chủ yếu là lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, hạn hán, rét đậm, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối. Nhận thức được mối nguy hiểm, mức độ thiệt hại do các đợt mưa to, bão lốc, sạt lở đất gây ra, trong những năm qua, huyện Vị Xuyên quan tâm, chú trọng công tác phòng, chống, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại các xã, thị trấn.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều đợt mưa lớn gây tốc mái nhiều hộ gia đình, ngập úng trên diện rộng khiến hoa màu bị ảnh hưởng nặng nề, sét đánh chết nhiều gia súc. Đầu tháng 6.2023 đã xảy ra mưa to gây thiệt hại hoàn toàn nhà ở và tài sản của nhiều hộ gia đình. Ông Bảo Văn Thêm, thôn Làng Má, xã Đạo Đức chia sẻ: Trong đợt mưa lớn vừa qua, nhà của tôi bị tốc hết mái, được tuyên truyền, vận động và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi chủ động thu dọn đồ đạc, di chuyển đến nơi an toàn. Tuy nhiên, gia đình tôi rất khó khăn, thời gian tới, mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ gia đình tôi để ổn định cuộc sống.
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên, trong mùa mưa bão năm 2023, trên địa bàn huyện vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn xảy ra tình trạng lốc, sét, mưa lớn, lũ quét. Các xã vùng cao, khu vực có địa hình đồi núi cao như: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Phương Tiến, Thuận Hòa… thường gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng, nhà ở và tài sản của người dân. Năm 2022 trên địa bàn huyện đã có 132 nhà bị tốc mái, đất đá trôi vào nhà; trên 165 ha cây trồng bị thiệt hại; 444 con gia súc, gia cầm bị chết do lũ cuốn trôi và sét đánh chết; các tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở taluy dương, âm… Ước tổng thiệt hại trên 16 tỷ đồng. Để giảm thiểu thiệt hại, ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã ban hành các quyết định và phương án phòng, chống thiên tai. Triển khai thực hiện phương án phòng, chống lũ lụt, sạt lở, bão lốc; rà soát các khu dân cư đang sống dọc ven sông, ven suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở; sơ tán nhân dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của dân; thông báo tình hình mưa lũ, ngập lụt để người dân chủ động ứng phó.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, bão lũ. Rà soát, bổ sung thêm các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu để phục hồi sản xuất; thực hiện các hoạt động tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường sau thiên tai… giảm mức thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn.
TRUNG NGHĨA
Ý kiến bạn đọc