Góp phần đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
BHG - Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (THHNCHT), hoạt động chiếu bóng các phim ngắn, phim tài liệu về đề tài này đang phát huy hiệu quả tích cực tại các địa bàn vùng sâu, xa ở Hà Giang. Qua giải pháp tuyên tuyền trực quan, sinh động đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho đồng bào.
Cán bộ Đội chiếu bóng chuẩn bị cho các buổi chiếu phim. |
Chiếu phim tại xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) thu hút đông đảo nhân dân tham gia. |
Là tỉnh miền núi có 19 dân tộc với gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chung sống, Hà Giang còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, tình trạng THHNCHT diễn ra tương đối phổ biến. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2021 – 2025, Ủy ban Dân tộc đã triển khai kế hoạch tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng THHNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Thông qua kế hoạch nhằm thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng đồng bào DTTS, niền núi trong thực hiện quy định về hôn nhân và gia đình; tạo đồng thuận, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật và xử lý vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân; tác hại, hệ lụy của THHNCHT đối với gia đình, xã hội.
Đa dạng các giải pháp triển khai, đưa kế hoạch vào thực tiễn, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo tổ chức sản xuất, phát hành các phim tài liệu, phim ngắn về chủ đề THHNCHT và phối hợp với các địa phương để tổ chức công chiếu. Tại Hà Giang, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức chiếu bóng lưu động các phim ngắn, phim tài liệu về chủ đề này. Nội dung phim tập trung phản ánh hậu quả của THHNCHT, sự mạnh mẽ của phụ nữ DTTS đứng lên thuyết phục, vận động cộng đồng chống lại tảo hôn. Mỗi lát cắt, mảnh đời trong phim toát lên thực trạng với những buồn lo và cả hệ lụy...
Đồng chí Trần Văn Đãng, Giám đốc Trung tân Văn hóa – Điện ảnh tỉnh cho biết: Sau khi tiếp nhận phim về chủ đề THHNCHT, Trung tâm đã chỉ đạo các Đội chiếu bóng xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với tập quán của đồng bào. Trong đó, ưu tiên thực hiện sớm ở những thôn, bản vùng sâu, xa và trường học. Tại mỗi buổi chiếu phim, những nội dung về phòng, chống THHNCHT liên tục được lan tỏa tới học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân. Mặc dù đây là cách làm không mới, nhưng đối với đặc thù tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Giang, hoạt động này rất phù hợp và thu hút đông đảo bà con tham gia khi vừa được thưởng thức văn hóa, vừa tiếp cận với kiến thức trọng tâm, dễ hiểu.
Tuy mới được triển khai từ tháng 3 đến nay, các Đội chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh đã tổ chức được trên 200 buổi chiếu bóng lưu động, thu hút trên 39.000 lượt người xem. Cùng với công tác dân vận của mỗi địa phương, hoạt động này đã mang lại hiệu quả, từng bước vận động xóa bỏ THHNCHT. Đồng chí Vùi Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh (Yên Minh) chia sẻ, tại các buổi chiếu bóng lưu động, bà con nhân dân trên địa bàn rất hào hứng tham gia. Qua những thông điệp tuyên truyền, nhân dân đã có thêm kiến thức, nâng cao ý thức và tích cực xây dựng văn hoá bản sắc, từng bước xoá bỏ các hủ tục.
Thời gian qua, hàng nghìn học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với những kiến thức về THHNCHT thông qua các buổi chiếu phim lưu động. Suy nghĩ khác tạo ra những cuộc đời khác, những thay đổi trong nhận thức đã và đang giúp các em học sinh nỗ lực tiếp tục đến trường, sống hạnh phúc bên gia đình. “Tại trường học, các em học sinh cùng nhau thảo luận thẳng thắn về vấn đề THHNCHT. Những thước phim thực tế giúp các em hiểu, gần gũi với mình và nhận thức thay đổi rất nhiều”. Đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Niêm Sơn (Mèo Vạc). Nhà trường hiện có 400 học sinh, trong đó, đa số các em là người DTTS. Thông qua các buổi chiếu bóng phim, các em học được nhiều kiến thức, nhất là không kết hôn sớm, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tương lai bản thân và con cháu sau này. Đồng thời, cùng chia sẻ, lan tỏa việc chấp hành tốt pháp luật, không tảo hôn để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đầu năm học đến nay, nhà trường không có trường hợp học sinh THHNCHT.
Theo Đề án giảm thiểu tình trạng THHNCHT vùng DTTS, giai đoạn 2015 - 2025 của Chính phủ đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng này trong cả nước, đặc biệt là ở các địa bàn vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền tiếp tục là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, giảm thiểu THHNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Huệ, Phó Vụ Trưởng Vụ DTTS - Ủy ban Dân tộc cho biết: Sau khi chiếu các phim về THHNCHT tại các địa bàn vùng sâu, xa của Hà Giang nói riêng và các địa phương khác nói chung, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp với các đơn vị tiếp tục sản xuất các phim ngắn, tiểu phẩm để công chiếu. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, bộ tài liệu, tờ rơi về chủ đề THHNCHT.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc