Báo động tình trạng trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích
BHG - Với đặc thù là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, do đó trên địa bàn tỉnh vẫn còn trường hợp trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích (TNTT). Điều này đòi hỏi trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi trẻ em được sống, được chăm sóc, bảo vệ, phát triển.
Theo thông tin từ ngành chức năng, thời gian qua, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 71 vụ/82 đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em, với 73 trẻ bị xâm hại. Trong năm 2022, số trẻ em bị TNTT trên 1.400 trẻ, thuộc các dạng tai nạn như: Ngã 401; bỏng 34; tai nạn giao thông 165; ngộ độc các loại 24; ngạt thở do hóc nghẹn 58; đuối nước 95; bị cắt, đâm 88; súc vật cắn 138; điện giật 5; các loại TNTT khác 389 trẻ. Đây thực sự là những con số đáng báo động đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) hướng dẫn trẻ em cách phòng, chống đuối nước. |
Nguyên nhân chủ yếu của tội phạm xâm hại trẻ em là do tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại, khó kiểm soát và xử lý mặc dù các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức đồng bộ các biện pháp phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho người dân. Công tác phối hợp quản lý giữa gia đình và nhà trường đôi lúc chưa thường xuyên, chặt chẽ. Mặt khác, hầu hết các nạn nhân đều là những trẻ em thiếu kiến thức về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại. Đối với TNTT ở trẻ em, do trình độ dân trí còn hạn chế, đa số người dân chưa nhận thức được những nguy cơ gây TNTT cho trẻ nên ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình TNTT ở trẻ em như đuối nước ao, sông, suối, ngã, ngộ độc, tai nạn giao thông… cũng như những hậu quả nặng nề do TNTT để lại. Bên cạnh đó là việc thiếu sân chơi cho trẻ em, trẻ chưa được gia đình giám sát chặt chẽ, môi trường xung quanh còn tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn như thác nước, ao, hồ treo, hồ tự nhiên không có rào che chắn, thiếu biển cảnh báo... cũng là nguyên dân gây ra TNTT ở trẻ.
Để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, TNTT, Sở LĐ,TB&XH đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền về công tác phòng, chống TNTT, đuối nước ở trẻ em trong dịp Hè; tổ chức Tháng hành động vì trẻ em; Tháng an toàn giao thông; Tuần lễ Quốc gia về an toàn vệ sinh lao động; Tháng hành động vì an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng, chống TNTT cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo theo hệ thống ngành dọc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em; triển khai xây dựng mô hình “trường học an toàn” phòng, chống TNTT trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh.
Sở VH,TT&DL đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức mở các lớp tập huấn bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em cho 108 học viên của 29 đơn vị từ các xã, phường, thị trấn; giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở, cán bộ trung tâm văn hóa. Phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống TNTT tại cộng đồng và trẻ em; phát hành tới 2.000 thôn, bản, tổ dân phố trên 4.100 tờ gấp, tranh tuyên truyền; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức giải bơi phong trào cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Mở lớp dạy bơi cho thiếu nhi tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao trong tỉnh được 55 lớp, cho trên 1.700 trẻ em tham gia.
Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống xâm hại, TNTT ở trẻ em, song vẫn cần sự phối hợp, quan tâm của gia đình, cha mẹ để xây dựng nên môi trường an toàn, giúp trẻ được tự do vui chơi và phát triển khỏe mạnh.
Bài, ảnh: VIỆT TÚ
Ý kiến bạn đọc