Đồng Văn chống chọi với khô hạn kéo dài

12:01, 23/05/2023

BHG - Những ngày này, người dân các xã, thị trấn huyện Đồng Văn đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất trầm trọng do từ đầu tháng 3 đến nay thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài. Các hộ gia đình, một số trường học trên địa bàn huyện phải mua nước để đảm bảo cung cấp tối thiểu phục vụ cho cuộc sống.

Diện tích lớn cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Khô hạn kéo dài, diện tích hoa màu đứng trước nguy cơ mất trắng.
Khô hạn kéo dài, diện tích hoa màu đứng trước nguy cơ mất trắng.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn, do nắng nóng, khô hạn kéo dài, khoảng hơn 234 ha cây ngô đang trong giai đoạn ra từ 5-12 lá, 0,1 ha mạ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy chưa có diện tích ngô bị chết hoàn toàn do khô hạn, tuy nhiên nếu tiếp tục kéo dài, một số diện tích có thể bị chết và sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng sau này. Bên cạnh đó, cây rau các loại sinh trưởng kém, còi, vàng lá. 4,5 ha cây hoa Hướng dương tại 6 xã, thị trấn đều bị ảnh hưởng, cây sinh trưởng kém, còi cọc. Đối với vật nuôi, đặc biệt là gia súc thiếu nguồn thức ăn xanh do khô hạn, cây cỏ phát triển chậm.

Đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn cho biết: Để tạm thời ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, cực đoan, Phòng đã cử cán bộ đến các xã cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra tình hình khô hạn thực tế của cây trồng; ở những nơi có điều kiện, hướng dẫn bà con dùng máy bơm phun để hạn chế khô hạn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi thường xuyên diện tích ngô không thể tiếp tục sinh trưởng tiến hành trồng thay thế rau, màu đảm bảo các diện tích không bị bỏ trống. Đồng thời, rà soát các diện tích mạ đã gieo bị thiếu nước để ưu tiên nước tưới cho diện tích bị ảnh hưởng, đảm bảo cây mạ phát triển tốt. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi, không để vật nuôi bị đói, khát nước, bổ sung chất khoáng đảm bảo sinh trưởng và phát triển. Tích cực vận động nhân dân nạo vét kênh mương, khe lạch, khơi thông dòng chảy, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước; sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; chuẩn bị các phương tiện lấy nước để chủ động tưới…

Các hộ dân, trường học phải mua nước

Trước đây, hồ treo xã Vần Chải là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân giờ đã khô cạn.
Trước đây, hồ treo xã Vần Chải là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân giờ đã khô cạn.

Theo ghi nhận, mặc dù đã có 1 đến 2 cơn mưa nhưng với lượng mưa nhỏ nên chưa đủ để tích trữ tại các bể chứa nước hoặc các hồ treo. Khô hạn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của người dân. Thiếu nước, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng vô cùng khó khăn.

Anh Ly Mí Hờ, thôn Má Tìa, thị trấn Đồng Văn, chia sẻ: Nhiều tháng nay, do khô hạn kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tôi và các hộ dân trong thôn phải đi chở từng can nước từ thị trấn Đồng Văn, cách 6 km vào để sử dụng cho người và chăn nuôi gia súc. Đường đi trong thôn lại vô cùng khó khăn nên mỗi chuyến cũng chỉ chở được 2 can với 40 lít nước, vì thế việc sử dụng nước phải tiết kiệm. Chưa khi nào người dân chúng tôi mong chờ một cơn mưa rào như bây giờ.

Hồ treo xã Sủng Là cũng trong tình trạng hết nước.
Hồ treo xã Sủng Là cũng trong tình trạng hết nước.

Trường PTDT bán trú THCS Sủng Trái có trên 300 học sinh bán trú. Từ đầu năm đến nay, do trời nắng nóng, không có mưa nên nước tự chảy từ đầu nguồn dẫn về hồ treo trung tâm xã và bể chứa nước của nhà trường không có. Hiện tại 2 hồ treo tại trung tâm xã đã cạn “trơ đáy”. “Để giải quyết tình trạng thiếu nước tạm thời, nhà trường phải mua nước từ huyện Yên Minh chở lên. Vì vậy, lượng nước cũng chỉ đủ phục vụ cho việc nấu nướng, còn tắm giặt, vệ sinh cá nhân nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà vệ sinh phải đóng cửa vì không có nước dùng. Nếu cứ tiếp tục tình trạng như vậy, kinh phí để mua nước cũng sẽ là vấn đề nan giải đối với nhà trường”. Thầy giáo Đầu Hoài Ánh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trước tình trạng khó khăn như hiện nay, nhà trường tăng cường dạy học sinh kỹ năng tiết kiệm nước sinh hoạt nhưng đảm bảo vệ sinh. Giáo viên trực bán trú hướng dẫn học sinh tiết kiệm nước từ quá trình sinh hoạt đến tắm giặt. Hiện, nhà trường tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua nước, tuy nhiên việc trông chờ vào các nhà hảo tâm rất khó vì trường ở vùng xa, ít người biết tới. Nếu có thì cơ bản hỗ trợ trực tiếp cho học sinh về quần áo, sách vở, chăn màn, đồ ăn... còn việc cấp kinh phí để mua nước chỉ còn biết trông chờ vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Thầy giáo Đầu Hoài Ánh chia sẻ thêm trong sự lo lắng.

Theo ghi nhận, thời điểm này, huyện Đồng Văn còn rất nhiều đơn vị trường học rơi vào cảnh thiếu nước nghiêm trọng như Trường PTDT bán trú THCS Sủng Trái. Hiện, Phòng Giáo dục huyện đã làm tờ trình xin kinh phí hỗ trợ một số trường học về việc mua nước phục vụ sinh hoạt của học sinh tại một số trường như: Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Tả Phìn; trường Mầm non, PTDTBT TH&THCS xã Vần Chải; trường PTDTBT THCS Lũng Phìn, trường Mầm non Sính Lủng... để đảm bảo cho công tác dạy và học.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, huyện Đồng Văn có 128 công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho trên 64.000 người. Trong đó cấp nước bằng công nghệ hồ treo có 44 công trình tại 18 xã, thị trấn, với tổng dung tích trên 201.000 m3. Số công trình thủy lợi là 47 công trình/12 xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hồ treo đều khô cạn nước.

Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tạm thời giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân. Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Hàng năm, các hộ dân đều thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Việc thiếu nước ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và hoạt động sản xuất trên địa bàn. Hiện, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có những biện pháp tạm thời hỗ trợ người dân từng bước khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Trong đó ưu tiên hỗ trợ mua téc nước giúp người dân chứa được nước mưa và sử dụng lâu hơn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nước. Đối với các trường học, huyện đã xem xét cấp kinh phí hỗ trợ mua nước phục vụ công tác dạy và học.

Bài, ảnh: MY LY


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Mèo Vạc lần thứ XI
BHG - Ngày 22.5, Hội Nông dân huyện Mèo Vạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Dự đại hội có đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh.
23/05/2023
Người dân vẫn được tiêm miễn phí vaccine phòng COVID-19
Bộ Y tế vừa có quyết định 2227/QĐ-BYT về ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023 để tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, đồng thời chuẩn bị để triển khai tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, tiêm các mũi nhắc lại tiếp theo khi có khuyến cáo.
23/05/2023
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thăm và tặng quà tại Công ty Điện lực Hà Giang
BHG - Ngày 22.5, Đoàn công tác Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) do ông Bùi Lê Cường, thành viên Hội đồng thành viên EVNNPC làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty Điện lực Hà Giang trong mùa nắng nóng.
23/05/2023
Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc thả 1 cá thể khỉ mặt đỏ về tự nhiên
BHG - Chiều 22.5, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc tiến hành thả 1 cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) về môi trường tự nhiên.
23/05/2023