Điểm sáng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
BHG - Nằm ở xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, Trường PTDT bán trú THCS Mậu Long có 100% học sinh (HS) là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên khả năng phát triển các kỹ năng còn nhiều hạn chế. Do vậy, những năm gần đây trường vùng cao này đã và đang đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho HS.
Học sinh được học các kỹ năng tự vệ. |
Có dịp trao đổi trực tiếp với Ban Giám hiệu Trường PTDT Bán trú THCS Mậu Long, chúng tôi thấy được những tâm huyết, trăn trở của các thầy, cô dành cho học trò. Thầy Vi Văn Luyện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với đặc thù HS đều là người DTTS, có trên 50% gia đình các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, ít nói, ngại tiếp xúc và chậm xử lý những tình huống, phần nào ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, học tập. Xác định rõ những đặc thù đó, nên cùng với tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường chú trọng trang bị các KNS, phát triển năng lực HS; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục KNS xuyên suốt theo các năm học, triển khai theo từng chuyên đề và chủ động tổ chức đánh giá những cách làm, mô hình hiệu quả để nhân rộng. Ngoài phương pháp tích hợp giáo dục qua các môn học, giáo dục KNS còn thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, mô hình sinh kế… Qua đó thu hút, tạo sức lan tỏa đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và góp phần duy trì sĩ số HS, nâng cao chất lượng dạy và học.
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua mô hình sinh kế. |
Năm học này, Trường PTDT Bán trú THCS Mậu Long có 490 HS với 11 lớp, trong đó, có 360 HS ở bán trú. Với tỷ lệ HS bán trú đông, ngoài việc tăng cường vai trò hướng dẫn của giáo viên, trường còn rất coi trọng phát huy tính tự chủ, tự quản của HS trong học tập và sinh hoạt nội trú. Các thầy cô khuyến khích, tạo điều kiện cho các em xây dựng nền nếp, nội quy phòng ở và thường xuyên tư vấn, giáo dục những kỹ năng cần thiết như cách ăn, ở vệ sinh, kỹ năng tự chăm sóc bản thân khi xa nhà, hợp tác với bạn ở chung phòng. Bên cạnh đó, trường thường xuyên tổ chức các hình thức truyền thông, tuyên truyền lồng ghép vào chương trình giáo dục chính khóa, giáo dục pháp luật giúp tích hợp thêm kiến thức thực tiễn cho HS. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần, tổ chức các hội thi tìm hiểu. Thông qua hình thức sân khấu hóa, giải quyết các tình huống thực tế, cụ thể, giúp HS rèn luyện các kỹ năng thuyết trình, ra quyết định và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, trường cũng quan tâm giáo dục KNS thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức trại hè, hội chợ quê… Đây là hình thức hoạt động quan trọng, giúp các em có thêm nhiều kỹ năng, phát huy năng khiếu, sở trường, tự tin trước đám đông và giảm áp lực sau những giờ học căng thẳng.
Bên cạnh đó, trường chủ động phối hợp thực hiện các câu lạc bộ, mô hình, dự án nhằm thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, HS và phụ huynh. Nổi bật là việc phối hợp với Văn phòng Plan Hà Giang triển khai các dự án gồm: Trẻ em gái sẵn sàng cho tương lai; hỗ trợ trẻ em gái tới trường; bảo vệ trẻ em có trách nhiệm giới, kiến thức kỹ năng an toàn trên không gian mạng; tăng cường nhận thức về nạn buôn người và tảo hôn thông qua công nghệ số; dự án "Em vui". Nội dung của các dự án tập trung vào tổ chức các tiết dạy, phát huy sáng kiến truyền thông, hội thảo định hướng, nhận diện thông tin xấu, độc, tham vấn tâm lý học đường… Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng của HS trong phòng tránh, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực giới, bạo lực học đường, giải quyết các mâu thuẫn và tích cực hơn trong các hoạt động tập thể của nhà trường. Không chỉ tác động tích cực đến HS, các phụ huynh cũng được nâng cao nhận thức, quan tâm nhiều hơn đến tình cảm của con cái và tích cực phối hợp với nhà trường trong giáo dục, bảo vệ trẻ...
Hiệu quả giáo dục KNS ở Trường PTDT Bán trú THCS Mậu Long đã và đang tạo nhiều chuyển biến rõ rệt ở phẩm chất và kỹ năng của HS. Từ sự chủ động, trách nhiệm của nhà trường trong triển khai các hoạt động sư phạm thân thiện, an toàn và bình đẳng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc