Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người
BHG - Bộ Y tế vừa ban hành Công điện khẩn số 258/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người, nhân dân nên lưu ý để phòng, tránh.
Cán bộ Trạm Thú y thành phố Hà Giang hướng dẫn hộ chăn nuôi gia cầm xã Ngọc Đường phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Giang có hơn 3.000 hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ, lẻ; với tổng đàn lên đến trên 150.000 con. Trong đó có 20 hộ chăn nuôi với quy mô lớn từ 100 – 1.000 con. Chị La Thị Nga, thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường là một hộ chăn nuôi gia cầm lớn của thành phố Hà Giang, với 1.600 con gà. Chị Nga cho biết: “Thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi gia đình đã chú trọng đến việc chọn con giống đầu vào, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ 1 tuần/lần, trộn bổ sung các chất dinh dưỡng vào thức ăn cho đàn vật nuôi để tăng sức đề kháng”.
Trạm Trưởng Trạm Thú y thành phố Hà Giang, Đinh Thị Nhường cho biết: “Thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, Trạm tham mưu cho UBND thành phố các văn bản chỉ đạo đến các xã, phường về công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền tới từng tổ dân phố, thôn, tới các gia đình để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của cấp trên. Trạm đã phối hợp với cán bộ xã đến từng hộ chăn nuôi hướng dẫn việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, sử dụng các loại vắc xin theo hướng dẫn, mua giống ở những nơi đảm bảo nguồn gốc theo quy định. Những hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn đã có ý thức rất tốt, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn và tự tìm hiểu để thực hiện việc phòng, chống dịch hiệu quả”.
Theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/02/2023, Campuchia ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A(H5N1) trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch. Trước đó, vào cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A(H5N1) trên người tại tỉnh Phú Thọ đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay.
Để phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh. Trong đó yêu cầu các cơ quan, ban, ngành chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở, các chợ biên giới… để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chuyên môn tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Khẩn trương rà soát, bố trí kinh phí và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi tại các khu vực đã từng xuất hiện dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin. Bố trí kinh phí mua hóa chất để tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2023. Chỉ đạo và phân công cho đội ngũ cán bộ chuyên môn của huyện, cán bộ nông nghiệp và thú y xã, thôn nắm chắc tình hình tại cơ sở; kịp thời phát hiện và xử lý triệt để gia cầm bị chết do mọi nguyên nhân khi còn trong phạm vi hẹp, không để lây lan ra diện rộng.
Để góp phần ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây sang người cũng rất cần sự chung tay của người dân như không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Từ đó góp phần phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc