Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
BHG - Dự báo năm 2023, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến khó lường do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tại tỉnh ta, tỷ lệ tiêm phòng một số bệnh đạt thấp, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu; một số bệnh lưu hành với tỷ lệ cao.
Cán bộ Thú y huyện Bắc Quang hướng dẫn người dân tiêm phòng cho trâu. |
Nhận định nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch Tả lợn châu Phi, Viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch cúm gia cầm... Để chủ động cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm Chi cục Thú y và Chăn nuôi đã tham mưu cho ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2023; công văn về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc; ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Còn tại cơ sở, 11/11 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
Để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản hiệu quả, đến nay Chi cục Thú y và Chăn nuôi đã cung ứng 212.750 liều vắc xin Lở mồm long móng cho 11 huyện, thành phố để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được các loại vắc xin cho 151.689 lượt con gia súc, gia cầm, trong đó: Lở mồm long móng 125.109 con, tụ huyết trùng trên lợn 3.560 con, dịch tả lợn 2.420 con, gia cầm 20.600 liều các loại vắc xin.
Huyện Bắc Quang là một trong những địa phương có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất tỉnh, với 17.663 con trâu, 760 con bò, 48.070 con lợn, trên 10 nghìn con dê và hàng trăm nghìn con gia cầm... Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, huyện Bắc Quang đã xây dựng kế hoạch, triển khai tiêm phòng trên địa bàn 23/23 xã, thị trấn. Đồng chí Đàm Văn Thuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, huyện Bắc Quang đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của tỉnh như tiêm phòng các loại vắc xin; đồng thời phát động “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch cúm gia cầm đợt I, năm 2023 trên địa bàn huyện, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi nhằm tiêu diệt các mầm bệnh truyền nhiễm, nhất là đối với một số loại vi rút nguy hiểm như: Cúm gia cầm chủng động lực cao; Lở mồm long móng; Tả lợn châu Phi; Viêm da nổi cục… đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Cùng với tiêm các loại vắc xin phòng, chống các loại dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y và Chăn nuôi cũng đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ra ngoài địa bàn tỉnh được 3.562 con gia súc gồm: 8 con trâu, 78 con bò và 3.476 con lợn. Kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh với số lượng 218.985 con gia súc, gia cầm; sản phẩm động vật 55.858 kg. Thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được 125 con, 131 con bò và 5.741 con lợn…
Đồng chí Trần Văn Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi cho biết: Nhờ thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh từ cấp tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; công tác kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được triển khai đúng quy định nên từ đầu năm đến nay đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không xảy dịch bệnh động vật trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường, từ đó các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng diễn biến khó lường. Để phòng, chống và sẵn sàng dập dịch hiệu quả, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin bắt buộc cho đàn gia súc đối với các bệnh truyền nhiễm như: Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Tụ huyết trùng, Tả lợn châu Phi, Dại... bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng phải đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn và khép kín trong năm; kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định. Khi có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra, tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để người dân biết và chủ động phòng, chống. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc