Giải “bài toán” việc làm ngay từ đầu năm
BHG - Năm 2022, toàn tỉnh tổ chức được 250 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho trên 16 nghìn người. Số lao động được giải quyết việc làm (GQVL) đạt 213,4% kế hoạch; chất lượng giáo dục nghề nghiệp từng bước được cải thiện, việc liên kết đào tạo nghề gắn với GQVL đạt kết quả khả quan. Theo đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra một số chỉ tiêu trong năm 2023 như: GQVL cho 17.800 lao động, đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho 10.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 57,8%.
Lao động đăng ký đi làm việc tại Hội chợ giới thiệu việc làm huyện Đồng Văn. |
Theo đó, ngay từ đầu năm, để chủ động giải “bài toán” việc làm, nỗ lực đạt các chỉ tiêu đã đặt ra, ngành chuyên môn và các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến địa bàn tuyển dụng lao động đi làm việc; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, thu hút đầu tư trên địa bàn…
Ghi nhận tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để đảm bảo công tác tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tổ chức khảo sát, khai thác thị trường lao động, xây dựng các phương án kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp. Đẩy mạnh khai thác và xử lý thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, thị trường xuất khẩu lao động làm cơ sở phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng công tác xuất khẩu lao động. Qua đó, tạo điều kiện để nhiều lao động tìm kiếm được việc làm ổn định với mức thu nhập hấp dẫn. Bên cạnh đó, tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể nói, công tác GQVL cho người lao động được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 khi thị trường lao động thời gian qua có nhiều biến động. GQVL cho lao động luôn được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, thực hiện, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, cùng với ngành chuyên môn, các huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai linh hoạt các biện pháp GQVL cho người lao động, bám sát với đặc thù, lợi thế của mỗi địa phương. Cùng với đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, các địa phương chú trọng phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm tại chỗ cho lao động hoặc tạo điều kiện để người lao động tìm việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được quan tâm, qua đó tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Để giải “bài toán” việc làm, ngành chuyên môn đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn việc làm học nghề, giới thiệu việc làm với mở rộng thị trường lao động, giúp người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động yếu thế kết nối cung cầu và tìm kiếm việc làm. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách của T.Ư, của tỉnh về hỗ trợ tạo việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Song song với đó, cần nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng Nông thôn mới… Tin rằng với sự chủ động thực hiện các giải pháp của các cấp, ngành, công tác GQVL sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc