Hiệu quả từ các tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt
BHG - Với trách nhiệm trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác công trình đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực hưởng lợi; thường xuyên duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng công trình; đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả... Các tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt đang góp phần quan trọng đảm bảo tính bền vững công trình sau đâu tư.
Tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tát Cà, Nà Thé, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) kiểm tra hoạt động bể lọc áp lực công trình. |
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn. Đến nay, chương trình đã đầu tư xây dựng 45 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nước sau khi được xử lý qua hệ thống lọc của công trình sẽ đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định của Bộ Y tế. Để đảm bảo tính bền vững và khai thác hiệu quả, các địa phương sau khi được bàn giao công trình đều thành lập tổ quản lý. Các thành viên tổ quản lý được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình vận hành hệ thống xử lý nước, quản lý, điều tiết và sửa chữa, bảo dưỡng công trình và ban hành quy chế hoạt động.
Anh Nguyễn Hồng Khương, Tổ phó Tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm xã Mậu Duệ (Yên Minh) chia sẻ: “Tổ có 6 thành viên, đều được tập huấn và hướng dẫn kiến thức, các kỹ năng quản lý, vận hành công trình sau đầu tư. Hiện tại, tổ đang quản lý 467 đấu nối. Để hoạt động hiệu quả, tổ ban hành quy chế, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình, điều tiết nước vào mùa khô, đảm bảo nước được cấp đủ đến tận các gia đình ở cuối đường ống. Mỗi tháng, người dân sử dụng gần 3.000 số nước, với giá nước 3.500 đồng/số, mỗi quý tổ quản lý thu được từ 30 - 40 triệu đồng tiền sử dụng nước. Số tiền này một phần được trích ra để bảo dưỡng, sửa chữa công trình, một phần chi thù lao cho các tổ viên“.
Tát Cà, Nà Thé là 2 thôn còn nhiều khó khăn của xã Tùng Bá (Vị Xuyên); trước đây, người dân nơi đây chủ yếu sử dụng nguồn nước lần lấy từ trên núi hoặc đào giếng khoan để sinh hoạt hàng ngày. Vào mùa mưa, đất đá sạt lở, đường ống dẫn nước hỏng, xác động vật, lá cây, rác thải khiến nguồn nước đầu nguồn bị ảnh hưởng, không đảm bảo vệ sinh. Để giúp người dân có nước sạch sử dụng, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tát Cà, Nà Thé, gồm các hạng mục: Đập đầu mối, bể lắng lọc, bể lọc áp lực, nhà trạm, bể chứa cùng tuyến ống dài trên 30 km, hệ thống cấp nước tự chảy, trụ vòi và lắp đồng hồ đo nước đến từng hộ dân; với tổng kinh phí trên 10,8 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho trên 400 hộ dân và 9 cơ sở trên địa bàn xã. Anh Mã Văn Lưu, Tổ trưởng Tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tát Cà, Nà Thé chia sẻ: “Tổ quản lý hiện có 5 thành viên, quản lý gần 500 đấu nối sử dụng nước. Mỗi tháng người dân sử dụng khoảng 2.000 số nước. Tổng tiền nước thu được mỗi năm khoảng 50 - 60 triệu đồng. Để quản lý tốt công trình, các thành viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ nguồn nước và khu vực rừng đầu nguồn, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, thường xuyên kiểm tra, sửa chữa những đoạn đường ống bị rò rỉ nước do mưa lũ, điều tiết nguồn nước, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh tiết kiệm. Nhờ vậy, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, công trình đã phát huy hiệu quả”.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do các công trình chủ yếu được đầu tư xây dựng tại các địa bàn khó khăn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; nguồn thu dịch vụ sử dụng nước chưa nhiều, nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao, các tổ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt sau đầu tư đang phát huy hiệu quả, đảm bảo kiểm đếm bền vững theo đúng tiêu chí của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc