Ươm mầm con chữ nơi biên cương Lao Chải

17:40, 20/11/2022

BHG - Xã Lao Chải (Vị Xuyên) là xã biên giới cách xa trung tâm huyện hơn 60 km nên còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất và khó khăn về giao thông đi lại. Nhưng những gian khổ, vất vả và cái giá buốt của mùa Đông nơi biên cương không thể ngăn cô, trò nơi đây cùng đến lớp và xây dựng những ước mơ cho tương lai của con em vùng cao biên giới.

Cô trò điểm trường mốc 238 thôn Lùng Chư Phùng, Lao Chải (Vị Xuyên).
Cô trò điểm trường mốc 238 thôn Lùng Chư Phùng, Lao Chải (Vị Xuyên).

Trường Mầm non Lao Chải hiện có 258 học sinh học tại trường chính và 5 điểm trường ở 4 thôn. Ba giờ chiều chúng tôi từ trung tâm xã Lao Chải đi lên điểm trường xa nhất điểm trường mốc 238, nằm trên địa phận thôn Lùng Chư Phùng của xã. Con đường ngoằn ngoèo bám theo dòng suối đưa chúng tôi đến điểm trường thoạt đầu rất đẹp, nhưng đi vào sâu hơn thi thoảng lại gặp những điểm sạt lở vừa xảy ra trong mùa mưa vừa qua. Có điểm bờ taluy cao dựng đứng, lộ hàm ếch trắng ởn của màu đất pha cát đặc trưng của vùng biên giới này; có đoạn đường bê tông bị vỡ toác chỉ còn đủ lối cho xe máy chạy qua chưa thể khắc phục. Điểm trường 238 nằm gần như tách biệt với khu dân cư cũng bởi dân cư ở đây còn khá thưa thớt, quanh điểm chỉ có vài mái nhà trình tường lợp Pro xi măng mới được dựng lên. Có thể nói đây là một trong những điểm trường giáp cột mốc biên giới nhất của tỉnh, từ điểm trường đi lên cột mốc 238 khoảng 700 m.

Giờ học với nhiều phương pháp linh hoạt giúp các em nhỏ nhanh tiếp thu.
Giờ học với nhiều phương pháp linh hoạt giúp các em nhỏ nhanh tiếp thu.

Lúc chúng tôi đến điểm trường, tiếng ê a đánh vần của đám trẻ vọng ra sau cánh cổng được khóa cẩn thận, sau một lúc chờ đợi, hai cô giáo cắm bản đon đả đón tôi cùng anh cán bộ xã vào điểm trường trong ánh nắng của những ngày đầu Đông. Điểm trường có 2 phòng học, nhà bếp, nhà vệ sinh và phòng nghỉ cho cô giáo. Cô giáo Vũ Thị Thắm cho biết, điểm trường mốc 238 có 2 giáo viên phụ trách 25 cháu nhỏ người dân tộc bản địa. Cô Thắm quê gốc ở Hà Nội lên Hà Giang nhận công tác từ năm 1993 từ đó cô đã luôn gắn bó với các xã biên giới của tỉnh miền núi này. Hơn 10 năm ở xã Minh Tân (Vị Xuyên), bám trụ ở những điểm xa và gian nan nhất nhì Hà Giang lúc bấy giờ là Hoàng Lỳ Pả, Mã Hoàng Phìn, Ngài Chò... đã rèn luyện trong cô tình yêu nghề, mến trẻ và không nản lòng trước những gian nan, vất vả của nghề. Về Lao Chải hơn 10 năm với chị, các điểm trường nơi biên giới đã trở thành một phần của cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1969, chỉ còn hết tháng này sẽ về nghỉ chế độ hưu trí, nhưng với chị, những tháng năm gắn bó với điểm trường mốc 238 là vô vàn những kỷ niệm của nghề giáo. Trước năm 2015, chưa có điểm trường kiên cố, cô và đồng nghiệp dạy học nhờ trong nhà đất của người dân trong bản, những ngày ấy thôn chưa có điện lưới và Lao Chải chưa có chợ phiên, mỗi cuối tuần chị và đồng nghiệp nghỉ về nhà được 2 ngày để sắm sửa tư trang, mua thức ăn để mang lên điểm trường dùng cả tuần. Giờ có điểm trường kiên cố, có điện lưới nhưng đường sá về mùa mưa vẫn bị tắc, có khi bị cô lập hàng tuần trời vì lở đất. Tất cả 4 thôn của xã Lao Chải đều là người dân tộc thiểu số, nhiều người chưa biết nói tiếng phổ thông đó là rào cản lớn nhất mà cô và đồng nghiệp phải vượt qua. Cô giáo dạy chữ cho các cháu, thì các cháu và phụ huynh lại dạy tiếng bản địa cho cô. Ở đây là vậy, cô muốn vận động học sinh phải học tiếng nói và hiểu tâm lý của bố mẹ, nên trong giờ lên lớp các cô giáo cắm bản đôi khi dùng song ngữ Mông – Kinh để nói chuyện và dạy cho các cháu nhỏ. Đám trẻ nhỏ người dân tộc Mông líu lo học, vì là lớp ghép vất vả hơn nhưng cũng có cái lợi cho cô giáo, khi có thể cho các cháu lớn kèm và dạy cho các cháu lớp nhỏ. Cứ thế mỗi buổi học là một ngày vui của cô và trò vùng biên cương.

Là điểm xa trung tâm xã lại giáp biên giới, các cô giáo cũng nhiều nỗi lo nhưng được chính quyền và nhất là nhân dân hỗ trợ về mọi mặt nên các cô luôn an tâm công tác. Chia tay điểm trường Mốc 238, chúng tôi về khi trời mùa Đông đã tắt nắng, cái lạnh của Lùng Chư Phùng luôn sâu và nhiều sương mù hơn các thôn khác. Giờ mới là đầu Đông, chưa rét đậm nhưng đã đủ khiến người từ nơi khác đến phải run người. Khi đi qua thôn Ngài Là Thầu ở độ cao 1.100 m so với mực nước biển chúng tôi bắt gặp hai cô giáo cắm bản đang ngồi bên đường để dò sóng điện thoại gọi về cho gia đình. Dưới cái lạnh của mùa Đông, những người giáo viên ấy vẫn luôn kiên cường như cây Thông, như cây Sa mộc bám trụ mảnh đất biên cương hào hùng, ươm những mầm non cho tương lai.

Bài, ảnh: Trọng Toan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tôn vinh những người gieo tri thức cho đời
BHG - “Thầy cô trong mắt em” là cuộc thi do Công đoàn giáo dục (CĐGD) Việt Nam tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh, lan tỏa những tấm gương nhà giáo có ảnh hưởng tích cực, tạo động lực và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho học sinh, sinh viên (HSSV). Giữa bộn bề cuộc sống, hình ảnh về những thầy giáo, cô giáo hiện lên với rất nhiều cảm xúc đặc biệt thông qua những thước phim tri ân đầy cảm động, ý nghĩa.
20/11/2022
Hương sắc trong “vườn hoa” giáo dục
BHG - Gần 18 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên trong toàn tỉnh đều là những bông hoa đẹp, tô thắm cho “vườn hoa” giáo dục tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc; trong đó, nhiều người đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống và điều kiện công tác, kiên trì bám điểm trường, bám lớp với tâm nguyện mang ánh sáng tri thức đến với học sinh, giúp các em đến gần hơn với ước mơ cuộc đời mình.
20/11/2022
Cụm thi đua số 1 Hội Người cao tuổi Việt Nam tổng kết thi đua năm 2022
BHG - Chiều 17.11, tại Khu du lịch sinh thái Trường Xuân (thành phố Hà Giang), Cụm thi đua số 1 Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam gồm 6 tỉnh: Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua năm 2022. Tới dự có lãnh đạo Hội NCT Việt Nam, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang; Ban đại diện Hội NCT các tỉnh trong cụm…
18/11/2022
Nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc Thẩm Anh Linh luôn nhiệt huyết với nghề
BHG - Hơn 8 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Thẩm Anh Linh, giáo viên Trường THPT Yên Minh, huyện Yên Minh đã khẳng định được bản thân mình trong sự nghiệp trồng người, đồng thời là một cán bộ Đoàn đầy nhiệt huyết và sáng tạo.
18/11/2022