Hội Phụ nữ Công an tỉnh - địa chỉ thắp sáng những ước mơ cho trẻ mồ côi
BHG - Ngay sau khi Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Phụ nữ (HPN) Công an tỉnh xin chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và nhanh chóng triển khai kế hoạch về thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Với mục đích, ý nghĩa và mong muốn chung của HPN các cấp trong thực hiện Chương trình, HPN Công an tỉnh Hà Giang đã nghiên cứu đặc điểm, tình hình, số trẻ em mồ côi trên địa bàn và xác định có trên 2.000 trẻ mồ côi bố hoặc mẹ, các nguyên nhân khác trên địa bàn và triển khai hiệu quả.
Các “Mẹ đỡ đầu” của Khối Cảnh sát quản lý hành chính chuẩn bị đồ dùng cho “con nuôi” vào năm học mới. |
Thực hiện kế hoạch của HPN Công an tỉnh, HPN Khối Cảnh sát quản lý hành chính gồm có 5 đơn vị Phòng gồm Cảnh sát quản lý hành chính; Cảnh sát giao thông - Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát cơ động và Trại tạm giam Công an tỉnh đã giúp đỡ, nuôi dưỡng cháu Nguyễn Thành Long (sinh năm 2010), học sinh lớp 7, Trường THCS Minh Khai, thành phố Hà Giang và đã tạo hiệu ứng lan tỏa cho các tổ chức hội trong Công an tỉnh.
Trong quá trình tuyên truyền pháp luật tại trường, các chị em của Hội bắt gặp hình ảnh một cậu bé có nét mặt đượm buồn, thiếu đi sự vui tươi, hồn nhiên của lứa tuổi học sinh. Qua tìm hiểu, được biết lý do khiến cậu bé trông buồn bã và thu mình là vì cậu vừa trải qua một biến cố và sự mất mát lớn. Bố em, người duy nhất gần gũi, yêu thương chăm sóc, sống cùng con hằng ngày đã không may qua đời đúng vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do đột quỵ. Là người chứng kiến và ở bên cạnh bố khi trút hơi thở cuối cùng, Thành Long chưa thể quên và chưa thể tin được rằng người mà em hằng yêu quý, người duy nhất chăm sóc em, vừa là cha nuôi nấng dạy bảo cũng vừa là mẹ chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ từ khi con mới chập chững những bước đi đầu tiên vì mẹ đã không ở cùng hai bố con nữa đã rời xa em mãi mãi.
Cũng là những người mẹ, nên những cán bộ trong Hội thấu hiểu việc một đứa trẻ đang cần sự chăm sóc, dạy bảo, thường xuyên phải ở một mình sẽ rất dễ gặp phải những sự việc, những tác động không tốt. Do đó hàng tuần, các Mẹ phân công thay nhau đến nhà chăm sóc, cùng con nấu ăn, làm việc nhà, chăm sóc bản thân, cảnh báo con những nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra trong thời gian con nghỉ Hè… Với chức năng đặc thù của công tác chuyên môn mà phụ nữ trong Khối đảm nhận, các Mẹ đã hướng dẫn con học bơi, cách thoát hiểm trong những tình huống hỏa hoạn, cháy nổ… Và sau hai tháng nhận được sự quan tâm, yêu thương của tất cả các Mẹ đỡ đầu Công an, nỗi buồn trong đứa con nuôi đã được vơi đi phần nào, thay vào đó là nhiều nụ cười và những câu chuyện về cuộc sống được Long chia sẻ nhiều hơn. Những người Mẹ đỡ đầu xa lạ trong suy nghĩ của Long từ buổi đầu gặp mặt đã trở nên gần gũi, thân thiết, sự có mặt của các Mẹ với con trong mọi công việc hàng tuần đã thu ngắn khoảng cách, giúp các Mẹ đỡ đầu và con xích lại gần nhau, từ đó Long dần cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của người Mẹ giành cho con - thứ tình cảm mà bấy lâu nay con chưa có được.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận được sự đồng thuận của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của toàn thể hội viên phụ nữ Công an toàn tỉnh. Kết quả đầu tiên mà Chương trình mang lại đó là trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có thêm 7 trẻ mồ côi nhận được sự bao bọc, che chở, chăm sóc và yêu thương để các con không cảm thấy mình bị lẻ loi, đơn độc trong cuộc sống khi tuổi các con còn quá nhỏ. Đối với con trai Nguyễn Thành Long khi được là nhân vật chính trong câu chuyện hành trình “Mẹ đỡ đầu” của các Mẹ phụ nữ Công an, con mong rằng các Mẹ sẽ luôn ở bên, đồng hành, sát cánh cùng con trên chặng đường con khôn lớn, trưởng thành; và sự trưởng thành đó chính là món quà to lớn nhất, ý nghĩa nhất tri ân tấm lòng của các Mẹ. Còn về phía những người Mẹ đỡ đầu của Thành Long, được chào đón như những người con trong gia đình với tình cảm nồng hậu, ấm áp và hết lòng đón nhận Chương trình, điều đó là sức mạnh, là động lực để các Mẹ đỡ đầu thêm gắn bó, tâm huyết và đồng hành, bù đắp những tình cảm, tình yêu thương như với chính con đẻ của mình.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thực sự có ý nghĩa nhân văn cao cả, không giống như các hoạt động xã hội thiện nguyện khác chỉ đơn thuần thăm hỏi, tặng quà động viên mà được thực hiện bằng cái tâm, cái tình của một người Mẹ và tinh thần trách nhiệm của người nữ chiến sĩ Công an trước những cảnh đời mồ côi. Chương trình là một hành trình dài theo các con trong suốt những năm tháng tuổi thơ đến khi con đủ 18 tuổi. Với hiệu quả bước đầu mà Chương trình mang lại, hi vọng rằng sẽ có nhiều trẻ mồ côi hơn nữa được đón nhận vòng tay yêu thương từ các Mẹ đỡ đầu không chỉ trong lực lượng Công an mà được phổ biến, nhân rộng đến các ngành trong xã hội.
Bài, ảnh: Ng.Lân – Ng. Nga (Công an tỉnh)
Ý kiến bạn đọc