Nâng cao chất lượng thông tin cơ sở

11:15, 17/10/2022

BHG - Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa XII về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới (Chỉ thị 07), tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đổi mới, linh hoạt cách tuyên truyền để nâng cao chất lượng thông tin cơ sở (TTCS), bảo đảm nhu cầu thông tin và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi lần thứ II năm 2022 góp phần nâng cao chất lượng thông tin cơ sở.
Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi lần thứ II năm 2022 góp phần nâng cao chất lượng thông tin cơ sở.

Cụ thể hóa Chỉ thị 07, tỉnh ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, đề án quan trọng về hoạt động của các phương tiện truyền thông; Quy chế hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (BCV, TTV); nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ký kết với các sở, ngành, đơn vị phối hợp xây dựng trên 400 vấn đề chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn tuyên truyền tại cơ sở; 100% Ban Tuyên giáo cấp huyện triển khai các chương trình tuyên truyền với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Các cấp, ngành, địa phương duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của cổng thông tin điện tử, xây dựng videoclip, phóng sự ngắn bằng tiếng dân tộc, lập trang thông tin điện tử địa phương, trang mạng xã hội Youtube, Zalo, Facebook, Tiktok để tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng cụ thể ở cơ sở; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị truyền thông, củng cố các thiết chế văn hóa - thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác TTCS.

Tỉnh xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản trị TTCS để quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống đài truyền thanh cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, Internet và hệ thống biển thông tin điện tử trên toàn tỉnh; triển khai dự án thiết lập, nâng cấp đài truyền thanh tại các xã; xây dựng 1.160 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến nay, các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang, mạng Internet băng rộng đạt 98%; số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 2.432 trạm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98,6%, khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%; chủ động phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng trạm phát sóng FM tại đỉnh Chiêu Lầu Thi, mở rộng diện phủ sóng, nâng chất lượng phát sóng đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Các cơ quan báo chí nâng cao chất lượng tuyên truyền với nhiều chuyên trang, chuyên mục, loại hình đa dạng, hấp dẫn; trong đó Báo Hà Giang xuất bản ấn phẩm Hà Giang cực Bắc phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; Đài PT - TH tỉnh sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình tiếng dân tộc (Mông, Tày, Dao). Đối với những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, các địa phương tuyên truyền lưu động đảm bảo thông tin đến với người dân. Ngoài ra, việc đưa thông tin về cơ sở được thực hiện thông qua hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã, trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, cổ động trực quan bằng pa nô, áp phích, băng zôn, tuyên truyền lưu động tại phiên chợ, sân khấu hóa, các cuộc thi, hội nghị BCV hàng tháng, đăng tải, chia sẻ trên nhóm zalo, hệ thống quản lý văn bản điều hành VNPT-iOffice, mạng nội bộ, cổng thông tin điện tử.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng TTCS, các cấp ủy chú trọng kiện toàn đội ngũ BCV, TTV cơ sở đảm bảo về tiêu chuẩn, số lượng và chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có gần 5.000 BCV, TTV; trong đó 5 đồng chí là BCV T.Ư, 36 đồng chí BCV cấp tỉnh, 364 đồng chí BCV cấp huyện và tương đương, trên 4.200 TTV cơ sở. Hầu hết đội ngũ BCV, TTV có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng nghiên cứu, phân tích lý luận, nắm bắt thực tiễn. Ban Tuyên giáo các cấp tổ chức trên 140 lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng cho đội ngũ BCV, TTV; tổ chức hội thi BCV, TTV giỏi, giúp đội ngũ BCV, TTV bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp khai thác, tổng hợp thông tin, diễn đạt, trình bày vấn đề, từ đó nâng cao chất lượng tuyên truyền, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận, phản biện, cung cấp thông tin chính thống kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong học tập, công tác, lao động sản xuất, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và phát triển KT - XH của địa phương.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực đi đầu triển khai Đề án số 06 của Chính phủ
BHG - Đề án số 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” là một nội dung quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ phát triển KT - XH. Với quyết tâm chính trị cao nhất, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội (TTXH), Công an tỉnh đã nỗ lực tiên phong, đi đầu triển khai Đề án 06, bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ.
16/10/2022
Đóng BHXH được 15 năm thì đến tuổi nghỉ hưu, người lao động có được hưởng lương hưu không?
Nhiều trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được 15 năm thì đến tuổi nghỉ hưu. Vậy trong trường hợp này, người lao động có được hưởng lương hưu không?
16/10/2022
Dự báo thời tiết ngày 16/10: Miền Bắc trời rét, miền Trung tiếp tục mưa to
Không khí lạnh tăng cường xuống Bắc Bộ khiến nhiều nơi rét 14 độ. Trong khi đó, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to.
16/10/2022
Chăm lo đời sống tinh thần học sinh trường dân tộc nội trú
BHG - Những năm qua, Trường PTDT Nội trú - THCS và THPT huyện Vị Xuyên đã xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, kết hợp hài hoà giữa việc nâng cao chất lượng dạy và học với việc tổ chức đời sống nội trú, chăm lo sức khỏe cho học sinh là người dân tộc thiểu số trong huyện, qua đó, giúp các em yên tâm học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
16/10/2022