Hội thảo định hướng thực hiện bảo tồn các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm tại Hà Giang
BHG - Ngày 29.9, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với tổ chức FFI Việt Nam tổ chức hội thảo định hướng thực hiện bảo tồn các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn 2030 tại Hà Giang. Tham dự có đại diện tổ chức FFI Việt Nam, một số hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng đặc dụng, đại diện các xã vùng dự án…
Toàn cảnh hội thảo. |
Tại hội thảo, đại diện tổ chức FFI Việt Nam đã giới thiệu về chương trình bảo tồn thực vật nguy cấp tại Hà Giang. Theo chiến lược phát triển, FFI sẽ phối hợp tiếp cận các nhà tài trợ tiềm năng cho việc bảo tồn cây nguy cấp tại Hà Giang. Xác định, thúc đẩy Hà Giang là điểm mẫu về bảo tồn thực vật quý hiếm nguy cấp, song song với trồng cây bản địa. Đồng thời, triển khai các nhóm tư vấn độc lập, xác định toàn bộ những loài thực vật nguy cấp để đề xuất chiến lược bảo tồn lâu dài.
Dựa trên kết quả khảo sát, các chuyên gia đã xác định được tại khu vực rừng Tùng Vài, Bát Đại Sơn, Cao Mã Pờ (Quản Bạ) có các nhóm thực vật nguy cấp, quý hiếm như: Ngọc lan, giổi na, giổi canh, nghiến… Triển khai các hoạt động bảo tồn, tiến hành nhân giống, xây dựng vườn ươm; từ năm 2020 đến nay, đã nhân giống, trồng được trên 5.000 cây quý hiếm, nguy cấp nêu trên. Cùng với đó, tăng cường tuần tra, xác định, đánh dấu các cây tái sinh, hỗ trợ cây giống bản địa, nâng cao năng lực cho địa phương vùng dự án. Đặc biệt, các chuyên gia cũng đánh giá cụ thể về điều tra quần thể giổi na tại huyện Quản Bạ. Qua khảo sát đánh giá thông tin quần thể tại 3 xã Tùng Vài, Tả Ván, Cao Mã Pờ, trên cơ sở đó xác định các yếu tố ảnh hưởng tới công tác bảo tồn và đề xuất giải pháp phục hồi. Theo tuyến khảo sát, ghi nhận 345 cá thể giổi na, đa số trưởng thành nhưng có dấu hiệu cụt ngọn. Một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn như: Quản lý bảo vệ rừng, quản lý, quy hoạch vùng trồng dược liệu; hiệu quả quản lý tác động từ cộng đồng còn hạn chế.
Hôi thảo dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận, bàn giải pháp bảo tồn thực vật nguy cấp, xác định các các hành động ưu tiên. Trong đó, các đề xuất tập trung vào duy trì, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật trong quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra, kiểm soát; đẩy mạnh khoanh nuôi bảo vệ, xúc tiến tái sinh. Đồng thời, tìm kiếm các cơ hội để bảo tồn cây nguy cấp tại các địa phương khác giúp phục hồi, kết nối hành lang sinh thái mảng rừng…
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đi tham quan vườn ươm thực vật FFI tại xã Tùng Bá (Vị Xuyên).
Tin, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc