Chỉ thị 42 tạo chuyển biến tích cực trong ứng phó với thiên tai
BHG - Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trận mưa lớn, dông, sét, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, rét đậm, rét hại... làm 19 người chết, 13 người bị thương, gần 10.000 ngôi nhà bị hư hỏng, trên 4.200 ha cây trồng hư hại và thiệt hại nhiều tài sản khác của nhà nước, nhân dân. Tổng thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng. Trước sự khắc nghiệt của thiên tai, tỉnh cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư vào điều kiện thực tế, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân.
Thành phố Hà Giang diễn tập phòng, chống thiên tai năm 2021. |
Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (Chỉ thị số 42) yêu cầu các cấp, ngành tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai đảm bảo kịp thời, đủ độ tin cậy; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao vai trò, quản lý nhà nước; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; phát huy vai trò Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và người dân.
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 42, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai của tỉnh chuyển biến tích cực: Tỉnh ban hành các kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai; chỉ đạo các cấp, ngành quyết liệt thực hiện; quy tụ dân cư sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền và cộng đồng bằng nhiều hình thức, đặc biệt giúp người dân nhận biết các dấu hiệu thiên tai, nguy cơ thiệt hại và biện pháp phòng tránh. HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết quy định mức trợ giúp xã hội, mức chi hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các cấp.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN từ tỉnh đến cơ sở kiện toàn cơ cấu bộ máy, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ. Các xã xây dựng đội xung kích với trên 14 nghìn người tham gia, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”. Tỉnh phối hợp lắp đặt 17 trạm đo mưa tự động, giúp nâng cao độ chính xác trong dự báo, cảnh báo về mưa lũ.
Các địa phương quản lý chặt chẽ việc san, đào, lấp mặt bằng, hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi trên sông, suối, xử lý nghiêm các đối tượng lấn chiếm, làm nhà, xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ sông, suối gây mất an ninh, an toàn. Giám sát chặt chẽ, đảm bảo quy định vận hành đón, xả lũ đối với các nhà máy thủy điện. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai Đề tài khoa học “Nghiên cứu dông, sét và đề xuất các giải pháp phòng, chống sét trên địa bàn tỉnh Hà Giang” để giảm thiểu tối đa thiệt hại do dông, sét gây ra.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và cuộc cách mạng 4.0 mang lại nhiều lợi ích trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Hệ thống truyền tin về thiên tai được thực hiện qua nhiều hình thức như: Phát thanh, truyền hình, mạng internet, Websize, mạng xã hội Facebook, Zalo giúp việc tiếp cận thông tin về thiên tai của các cơ quan, đơn vị, người dân thuận lợi, nhanh chóng. Hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi, giám sát thiên tai, quan trắc được hiện đại hóa, tự động giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai; bảo đảm tính kịp thời, độ tin cậy và hiệu quả cao.
Ngay khi có thiên tai xảy ra, tỉnh tích cực huy động nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ” để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với các công trình cần xử lý khẩn cấp, chống sạt lở bờ sông, hồ chứa nước, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến nay, hệ thống công trình phòng, chống thiên tai của tỉnh cơ bản đáp ứng, giảm thiểu xảy ra các sự cố thiên tai. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ và phân bổ hàng cứu trợ cho các địa phương. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh chủ động bố trí trên 33 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và Quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở và khôi phục sản xuất cho nhân dân. Ủy ban MTTQ tỉnh và Hội Chữ thập đỏ huy động được trên 5 tỷ đồng, các đoàn thể cấp xã và lực lượng vũ trang đóng góp trên 6.000 ngày công giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, thiệt hại ngày càng nghiêm trọng đặt ra yêu cầu cao hơn về công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ thị số 24 tiếp tục là “kim chỉ nam” giúp các cấp, ngành thực hiện mạnh mẽ, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để giảm nhẹ thiệt hại, phát triển bền vững đất nước.
Bài ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc