Phụ nữ khuyết tật từng bước khẳng định bản thân
BHG - Nhiều năm qua, từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người khuyết tật (NKT) dần được cải thiện, nhận thức của cộng đồng về hòa nhập khuyết tật đã từng bước được nâng cao. Tại tỉnh ta, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, NKT được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập hòa nhập với cộng đồng; được chăm sóc sức khỏe, học nghề, trợ giúp pháp lý và được thụ hưởng các quyền khác theo quy định… Đặc biệt, đối với chị em phụ nữ khuyết tật (PNKT) ngày càng có cơ hội được khẳng định bản thân hơn nữa.
Chị Lục Thị Lợi (giữa) cùng gia đình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả để tăng thu nhập. |
Thực tế, NKT nói chung đã gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống; PNKT lại càng gặp nhiều trở ngại, rào cản hơn. Bởi vậy, những năm qua, Hội NKT tỉnh thường xuyên quan tâm tới chăm lo đời sống cho hội viên nữ thông qua việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) PNKT; nhiều chị em PNKT đã tham gia và thay đổi cách nghĩ, tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Theo báo cáo, hiện, toàn tỉnh có 9 CLB PNKT tại các huyện, thành phố. CLB đã thu hút phụ nữ là NKT tự nguyện tham gia với mục đích học tập, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần. CLB cũng thường xuyên được tuyên truyền về Luật NKT, tìm hiểu những chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của NKT. Hàng năm, CLB phối hợp với các ngành chuyên môn mở từ 2-3 lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt,... cho chị em phụ nữ, giúp họ tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể và mạnh dạn tìm hiểu, phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp kinh tế gia đình ổn định hơn. Đặc biệt, phụ nữ, trẻ em gái trong CLB còn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về bạo lực tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản,... để họ tự tin hòa nhập cộng đồng và có thể tự bảo vệ bản thân.
Chị Lục Thị Lợi, thôn Bình Vàng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên), do kém may mắn nên bị khuyết tật thị lực. Tuy nhiên, chị vẫn từng ngày khẳng định mình “tàn mà không phế”. Đôi mắt không nhìn rõ, nhưng mọi công việc lớn, nhỏ trong nhà chị đều chăm lo chu toàn. Hiện, chị ở nhà chăn nuôi đàn gà hơn 50 con, gần 10 con lợn và 10 con dê. Gia đình chị còn có hơn 2 ha vườn rừng trồng các loại cây keo, xoan,… chuẩn bị thu hoạch. Vừa qua, được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, gia đình chị được hỗ trợ 30 triệu đồng để cải tạo vườn tạp. Chị đã trồng các giống cây táo, chanh và các loại rau ngắn ngày. Chị Lợi chia sẻ: “Được Nhà nước quan tâm, hàng tháng, tôi đều nhận được tiền hỗ trợ. Bên cạnh đó, thu nhập từ chăn nuôi cũng giúp gia đình có đồng ra đồng vào, con cái được đi học đầy đủ. Tôi luôn tự ý thức rằng, đôi tay, đôi chân mình vẫn lành lặn, tinh thần minh mẫn thì không được ỷ lại. Từ khi tham gia vào Hội NKT, CLB Phụ nữ khuyết tật ở địa phương, có cơ hội được giao lưu, chia sẻ với chị em cùng hoàn cảnh đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội NKT huyện Vị Xuyên, Chủ nhiệm CLB PNKT tỉnh cho biết: Thời gian qua, chị em PNKT nhận được rất nhiều sự quan tâm, động viên, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội. Đến nay, hầu hết chị em trong Hội đều có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng, không phụ thuộc, ỷ lại, không là gánh nặng cho gia đình, người thân và cộng đồng. Việc thành lập CLB PNKT đã mở ra cánh cửa mới cho chị em phụ nữ kém may mắn. Các hoạt động của CLB giúp nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên PNKT, nhất là những hiểu biết về chính sách pháp luật. Đặc biệt, năm 2021, Dự án “Nâng cao năng lực cho PNKT vùng cao Hà Giang” được triển khai với việc tổ chức các buổi tập huấn về bình đẳng giới và phòng tránh bạo lực cho cán bộ Hội và hội viên của CLB PNKT đã mang lại ý nghĩa to lớn, hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới cho PNKT vùng cao của tỉnh, giúp họ nâng cao năng lực, tham gia bình đẳng vào các hoạt động của Hội cũng như của xã hội.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc