Chú trọng phòng, chống bệnh lao tại cộng đồng
BHG - Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Hà Giang không ngừng nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khống chế bệnh lao, giảm tác hại và ngăn chặn khả năng lây lan trong cộng đồng.
Tuyên truyền trực tiếp phòng, chống bệnh lao tại huyện Quang Bình. |
Bệnh lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người chết vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tỉnh Hà Giang hàng năm thu nhận trung bình trên 500 bệnh nhân lao các thể. Trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân lao tái phát, và lao kháng đa thuốc ngày càng tăng. Bệnh lao hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Năm 2021, công tác phòng, chống lao trên toàn tỉnh đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu chuyên môn đề ra, nhiều bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị khỏi hoàn toàn. Có được kết quả này là nhờ hệ thống phòng, chống lao từ tỉnh đến thôn, bản không ngừng được quan tâm củng cố cả về số lượng và chất lượng.
Đặc biệt, Bệnh viện Phổi Hà Giang là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh hạng II, với chức năng nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh lao và bệnh phổi phế quản, chính vì vậy bệnh viện đã đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao; tuyên truyền cho người dân vùng sâu, xa không mặc cảm, kỳ thị đối với người bệnh lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi nội soi phế quản để chẩn đoán và điều trị bệnh lao. |
Cùng với đó, bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại nhằm chẩn đoán, xét nghiệm, phát hiện bệnh chính xác, kịp thời như: Máy nội soi phế quản, Máy chụp Xquang kỹ thuật số, nội soi màng phổi ống cứng, xét nghiệm Gen-Xpert (Den - ích - pớt), xét nghiệm True nat (Chu – nát) MTB giúp chẩn đoán sớm nhất bệnh lao chỉ trong 1 đến 2 giờ. Bệnh viện có 10 khoa, 5 phòng với 150 giường bệnh, đội ngũ cán bộ y tế dày dạn kinh nghiệm, tiếp nhận điều trị bệnh nhân lao theo phác đồ mới nhất của bệnh viện Phổi T.Ư và mang lại hiệu quả cao. Qua đó đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh và một số khu vực lân cận.
Ngoài ra, trong quá trình nằm viện tại Bệnh viện Phổi Hà Giang, các bệnh nhân lao nghèo còn được hỗ trợ tiền ăn 44.000 đồng/ngày. Các trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao hỗ trợ mua thẻ BHYT, hỗ trợ dinh dưỡng và các chi phí điều trị khác.
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Hà Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.103 lượt bệnh nhân đến khám; phát hiện được 85 bệnh nhân lao. Kết quả điều trị của lô bệnh nhân quý I năm 2021: Tỷ lệ điều trị khỏi và hoàn thành theo phác đồ đạt 91%. Đồng chí Chúc Hồng Phương, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Giang cho biết: Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguồn lây chính là từ bệnh nhân lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm. Những người bị lao phổi ho, hắt hơi, khạc đờm vi trùng theo đường nước bọt ra môi trường bên ngoài, người khác hít phải nguy cơ bị nhiễm vi trùng lao cao và có thể mắc bệnh lao. Để giảm bệnh nhân lao cần tăng cường các biện pháp khám sàng lọc phát hiện, điều trị sớm và quản lý tốt bệnh nhân lao tại cộng đồng; đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao; các cơ quan, tổ chức, người bệnh, người nhà người bệnh tham gia tích cực tuyên truyền về bệnh lao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh lao; người dân cũng cần nâng cao ý thức để cùng với ngành Y tế đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh lao, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
Ý kiến bạn đọc