Chủ động phòng, chống rét cho học sinh
BHG - Song song với công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì những ngày này các đợt không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như việc học tập của học sinh toàn tỉnh nói chung và trên địa bàn huyện Mèo Vạc nói riêng. Để bảo đảm sức khỏe và duy trì tỉ lệ chuyên cần của học sinh, các đơn vị trường học huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ ấm cho học sinh, nhất là bậc học Mầm non.
Học sinh điểm trường Mầm non thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) trong giờ học. |
Trường Mầm non Cán Chu Phìn là địa bàn đặc biệt khó khăn, khí hậu lạnh giá vào mùa Đông. Năm học 2021-2022, trường có 20 lớp với gần 520 học sinh ở 12 điểm trường. Điểm gần trung tâm xã nhất cách khoảng 2 km, điểm xa nhất cách hơn 10 km, giao thông đến các điểm trường rất khó khăn. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, ngay từ đầu năm học, trường đã rà soát, kiểm tra, sửa chữa cơ sở vật chất, lớp học. Qua đó, đảm bảo tất cả các lớp học ở trường chính và điểm trường đều có đầy đủ hệ thống cửa kính, điện chiếu sáng, thoáng mát vào mùa Hè, ấm vào mùa Đông. Ngay từ những ngày đầu mùa lạnh, trường đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống rét cho trẻ. Hiện nay, tại điểm trường trung tâm, 2/3 lớp học đã có quạt sưởi, trẻ được mặc ấm hàng ngày, khi ngủ trải chiếu, đệm, chăn ấm. Cô giáo Lù Thị Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Cán Chu Phìn cho biết: Hàng ngày giáo viên huy động phụ huynh đun nước ấm cho các con rửa mặt, vệ sinh trước giờ đến trường. Để đảm bảo học sinh không nhiễm các bệnh do thời tiết, nhà trường thường xuyên tuyên truyền tới phụ huynh mặc quần áo đủ ấm cho trẻ. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, giáo viên sẽ kéo dài thời gian đón trẻ muộn hơn 30 phút so với ngày thường, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khâu Vai, Ban Giám hiệu đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét kịp thời để giữ ấm cho học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần thường xuyên đạt từ 93-95%. Cán bộ quản lý trường theo dõi sát sao các bản tin dự báo thời tiết để có phương án phòng, chống rét. Học sinh ở bán trú luôn được thầy, cô nhắc nhở mặc ấm, vệ sinh sạch sẽ; quan tâm đến chỗ ngủ để kịp thời bổ sung thêm chăn ấm cho các em. Cô giáo Vũ Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Thời tiết ở vùng cao rất khắc nghiệt, diễn biến rét đậm, rét hại thường xuyên. Nhà trường luôn cập nhật tình hình thời tiết, khi nhiệt độ xuống dưới 5 độ C sẽ cho học sinh nghỉ học. Ngoài ra, do đặc thù là trường bán trú nên đơn vị đã chủ động trong việc sắp xếp giờ học cho học sinh. Nếu nhiệt độ buổi sáng xuống dưới 5 độ C, có thể chuyển giờ học sang buổi chiều. Cùng với đó, mỗi ngày, tổ cấp dưỡng luôn cố gắng để học sinh có bữa ăn nóng sốt, ngon và đủ chất. Thực đơn được lên sẵn theo quy định về dinh dưỡng, các món ăn chỉ lên mâm ngay khi học sinh kết thúc các tiết học buổi sáng. Vào mùa Đông, khẩu phần được tăng thêm chút dầu mỡ để có thể giữ ấm. Đặc biệt, nhà trường bố trí thực đơn mỗi ngày được thay đổi, giúp các em ăn ngon miệng.
Huyện Mèo Vạc hiện có 54 trường học các cấp với hơn 26.000 học sinh. Để đối phó với các đợt rét đậm, rét hại và giúp các trường học nêu cao tinh thần chủ động phòng tránh rét, ngành Giáo dục huyện đã có công văn hướng dẫn các trường chủ động ứng phó trong các đợt rét sắp tới, nhất là thời điểm chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc Hoàng Thanh Hải nhấn mạnh: Phòng yêu cầu các cơ sở giáo dục thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết. Đối với các trường có nhiệt độ xuống thấp, Hiệu trưởng chủ động cho học sinh nghỉ học, tổ chức dạy khi thời tiết ấm trở lại. Các trường học có học sinh bán trú phải thường xuyên kiểm tra phòng ở của học sinh, có biện pháp chống gió lùa; các em ăn đủ no, đủ chất, uống nước ấm để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, mỗi đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bài, ảnh: Minh Đức